Rộng đường tiêu thụ
Nghị định thư về kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu giữa Việt Nam sang Trung Quốc mở ra nhiều cơ hội cho Đắk Nông.
Nghị định thư cho phép xuất khẩu các loại sầu riêng đông lạnh như: sầu riêng nguyên trái, sầu riêng xay nhuyễn và cơm sầu riêng.
Theo số liệu từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), trong năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng, với kim ngạch đạt 2,3 tỷ USD. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm hơn 80%.
Dự báo trong năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh có thể đạt kim ngạch từ 400-500 triệu USD. Sầu riêng có khả năng trở thành một trong những mặt hàng nông sản giá trị tỷ đô vào năm 2025 của Việt Nam.
Với diện tích sầu riêng gần 10.300ha, sản lượng ước đạt khoảng 41.400 tấn/năm, Đắk Nông có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc.
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân Lầu Kiều Vân, TP. Gia Nghĩa cho hay: “Việc xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường và nâng cao giá trị sầu riêng đông lạnh của địa phương”.
Theo bà Vân, sầu riêng đông lạnh mang lại nhiều lợi ích so với việc xuất khẩu trái tươi. Doanh nghiệp không còn lo lắng cho vấn đề thời gian bảo quản ngắn mà có thể cung cấp sản phẩm ra thị trường quanh năm.
Điều này đặc biệt quan trọng, vì thị trường Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ sầu riêng rất cao nhưng cũng đòi hỏi chất lượng sản phẩm phải bảo đảm.
Thêm vào đó, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh giúp giảm thiểu chi phí vận chuyển do phần ruột chỉ chiếm khoảng 30%, trong khi phần vỏ được loại bỏ. Từ đó, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, gia tăng giá trị cho sản phẩm.
Thách thức và áp lực cạnh tranh
Mặc dù có nhiều cơ hội, ngành xuất khẩu sầu riêng đông lạnh cũng đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, cạnh tranh từ các quốc gia như Thái Lan và Malaysia là một áp lực lớn.
Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng Đắk Nông cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng và an toàn thực phẩm để bảo đảm sản phẩm có thể vào được thị trường Trung Quốc.
Cục Bảo vệ thực vật hiện đang yêu cầu các địa phương rà soát và tổng hợp các mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh. Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo ông Vũ Đình Chiện, đại diện Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ Yến Nhi, việc đầu tư vào công nghệ cấp đông và kho lạnh là rất cần thiết. Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống nhà xưởng với gần 2.000m2 và các kho đông lạnh đạt chuẩn.
Doanh nghiệp hiện đang có 4 kho trữ và 3 kho cấp đông, với sản lượng trữ là gần 140 tấn. Mỗi tháng, đơn vị xuất hơn 100 tấn sầu riêng cấp đông sang Trung Quốc. Doanh nghiệp hiện có gần 200ha sầu riêng được cấp mã vùng trồng và được Trung Quốc cấp mã đóng gói xuất khẩu.
“Việc kiểm soát chất lượng từ khâu trồng trọt đến khi sản xuất là yếu tố quyết định để sản phẩm có thể vào được thị trường khó tính như Trung Quốc hiện nay”, ông Chiện chia sẻ.
Ngoài ra, việc nâng cao trình độ công nghệ cũng là một thách thức lớn. Các doanh nghiệp sản xuất sầu riêng đông lạnh của Đắk Nông ngày một nhiều.
Tuy nhiên, việc cần thiết vẫn là đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển công nghệ chế biến sầu riêng đông lạnh, để đáp ứng được yêu cầu cao về chất lượng từ thị trường quốc tế.
Việc ký kết nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành sầu riêng Đắk Nông. Đây là thời điểm để các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, đầu tư vào công nghệ và cải thiện chất lượng sản phẩm.
Nguồn: https://baodaknong.vn/co-hoi-va-thach-thuc-cho-sau-rieng-dong-lanh-dak-nong-229948.html