Sau gần 10 năm, giống như Đà Nẵng, cơ hội đến với Phú Quốc khi được chọn là địa điểm tổ chức APEC 2027. Đảo ngọc đang đứng trước một vận hội chưa từng có.
Khẳng định vị thế quốc tế và thúc đẩy hợp tác toàn diện
Diễn đàn Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30 với chủ đề “Kết nối và xây dựng các nền kinh tế bao trùm và tự cường” là dấu mốc quan trọng, khẳng định vị thế chiến lược của Việt Nam trong khu vực. Đây đồng thời là cơ hội lớn để Phú Quốc bứt phá trở thành một trung tâm hợp tác kinh tế, xã hội và giao thương toàn cầu.
Tiếp đón hàng nghìn đại biểu, lãnh đạo cấp cao và doanh nhân từ 21 nền kinh tế thành viên APEC, Phú Quốc sẽ trở thành tâm điểm của các cuộc ký kết thương mại và là nơi xây dựng mối quan hệ đối tác giữa các cường quốc kinh tế như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Điều này dự báo sẽ kéo theo dòng vốn FDI mạnh mẽ, thúc đẩy các ngành kinh tế trọng điểm như du lịch, bất động sản, bán lẻ và dịch vụ phát triển.
Kinh nghiệm từ Đà Nẵng, nơi đăng cai APEC 2017, cho thấy sự kiện quốc tế có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế của thành phố. Đà Nẵng đã đón khoảng 15.000 người tham dự và 6.000 phóng viên quốc tế, qua đó thu hút hơn 4 tỷ USD vốn đầu tư cam kết sau sự kiện. Năm 2018, cả 9 chỉ tiêu kinh tế chủ chốt tăng trưởng tốt. Trong đó, du lịch thể hiện rõ vai trò ngành kinh tế mũi nhọn với số lượng du khách nội địa, quốc tế tăng trưởng 2 con số, ghi nhận tổng thu từ hoạt động du lịch khoảng 24.000 tỷ đồng, tăng 23,3% so với 2017. So với Đà Nẵng lúc đó, hiện Phú Quốc có nền tảng vững vàng hơn và đặc biệt đang đứng trước vận hội mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đẩy mạnh kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng
APEC 2027 sẽ là cú huých để Phú Quốc đẩy nhanh các dự án hạ tầng trọng điểm, từ giao thông đến các công trình đô thị. Thành phố hiện có tới 311 dự án, với tổng vốn đầu tư lên đến 428.000 tỷ đồng, bao gồm các siêu tổ hợp giải trí và nghỉ dưỡng có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Tuy nhiên, tầm nhìn của Phú Quốc xa hơn thế, với kế hoạch nâng cấp cảng, sân bay quốc tế để mở rộng khả năng tiếp nhận các tàu thuyền, chuyến bay thương mại và chuyên cơ quốc tế. Đồng thời, các tuyến đường chiến lược cũng trong lộ trình được xây dựng, đảm bảo kết nối thuận tiện từ sân bay tới các khu vực trọng điểm và các khu du lịch nổi bật của đảo.
Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc, ông Trần Minh Khoa, cho biết: “Hiện Phú Quốc mỗi ngày đón hơn 30 chuyến bay quốc tế, với khoảng 10.000 – 11.000 khách quốc tế. Cảng hành khách quốc tế Dương Đông đã được đầu tư từ lâu, và chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ để hoàn thiện, công nhận cảng này đạt tiêu chuẩn quốc tế, giúp tàu chở du khách quốc tế cập bến trực tiếp, không cần qua tăng bo hay trung chuyển nữa. Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành của tỉnh và Cục Hàng hải Việt Nam để sớm đưa cảng vào hoạt động chính thức, dự kiến sớm nhất vào cuối tháng 2/2025.”
Bên cạnh đó, ngay trong năm qua, nhiều công trình trọng điểm, trung tâm hội nghị và các khu nghỉ dưỡng cao cấp cũng được đẩy mạnh triển khai để đáp ứng nhu cầu của dòng khách cao cấp, hướng tới đại biểu và du khách trong và sau sự kiện APEC. Tiêu biểu vào cuối năm 12/2024, Tập đoàn Sun Group đã khởi công dự án Tòa tháp Khát Vọng – Aspira Tower tại Hòn Thơm. Dự kiến hoàn thiện năm 2027, công trình sẽ trở thành một tổ hợp nghỉ dưỡng – giải trí – thương mại xa xỉ gồm khách sạn The Luxury Collection Hon Thom, với kỳ vọng không chỉ đáp ứng nhu cầu vui chơi, hội họp mà còn trở thành biểu tượng mới hút hàng triệu du khách mỗi năm tới Hòn Thơm, Phú Quốc.
Cơ hội bứt phá cho ngành du lịch
Bên cạnh đó, Phú Quốc hiện là điểm sáng trong thu hút du khách quốc tế, với gần 1 triệu lượt khách quốc tế năm 2024 và biểu đồ chuyến bay quốc tế tăng trưởng thẳng đứng, gấp đến 5-6 lần chỉ trong một năm.
Sau APEC, hình ảnh du lịch Đà Nẵng lan tỏa rộng khắp trên thế giới, với ấn tượng về sự an toàn, năng động và hiện đại. Phú Quốc với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, chính sách miễn visa và cơ sở hạ tầng hiện đại, sản phẩm du lịch cao cấp có sức cạnh tranh lớn trong khu vực được dự báo sẽ gặt hái thành công tương tự, tiếp tục thu hút lượng khách quốc tế lớn sau APEC 2027.
PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam, nhận định rằng Phú Quốc có nhiều cơ hội phát triển và cạnh tranh với các điểm đến du lịch nổi tiếng trong khu vực như Phuket (Thái Lan) và Bali (Indonesia). Việc phát triển các sản phẩm du lịch mới, đồng thời duy trì yếu tố thiên nhiên đặc trưng, sẽ tạo ra sự khác biệt lớn cho Phú Quốc. Các sản phẩm văn hóa và giải trí đã và đang tạo nên sự khác biệt. Các show diễn đẳng cấp quốc tế như “Nụ hôn của biển cả” và “Bản giao hưởng đại dương” đã tạo nên dấu ấn thu hút du khách. Các công trình biểu tượng như Cầu Hôn càng giúp Phú Quốc khẳng định mình như một điểm đến du lịch đẳng cấp quốc tế.
Ông Lê Văn Dũ, Phó Chủ tịch thường trực hội Lữ hành G7 khẳng định: “Với hạ tầng, hệ sinh thái du lịch hoàn thiện và khả năng tiếp cận thuận tiện, Phú Quốc sẽ trở thành địa điểm để tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới”.
Trên nền tảng vững chắc này, APEC 2027 sẽ tiếp tục tạo ra môi trường thuận lợi để thúc đẩy các quan hệ đối tác, hợp tác quốc tế và cải thiện môi trường đầu tư tại Phú Quốc. Với sự hiện diện của các doanh nghiệp quốc tế trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, Phú Quốc có thể kỳ vọng vào sự chuyển mình mạnh mẽ trong các lĩnh vực này. Các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ có thêm niềm tin vào sự phát triển bền vững của đảo Ngọc, đặc biệt trong bối cảnh các chính sách ưu đãi và cải cách liên tục được triển khai.
APEC 2027 chắc chắn sẽ là “màn trình diễn bùng nổ”, thắp sáng Phú Quốc và có vai trò như một đòn bẩy, góp phần đưa đảo Ngọc trở thành trung tâm kinh tế, du lịch và dịch vụ hàng đầu khu vực trong tương lai.
Nguồn: https://baodaknong.vn/co-hoi-moi-cho-phu-quoc-khi-duoc-chon-la-dia-diem-to-chuc-apec-2027-240965.html