Ngày 19/11, các chuyên gia của Dự án chuyển đổi các biện pháp quản lý dịch hại trên các trang trại cà phê, trà, hồ tiêu ở Việt Nam tham quan, tìm hiểu hiệu quả triển khai dự án tại Đắk Nông.
Các chuyên gia đã tìm hiểu canh tác hồ tiêu tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết và một số hộ dân tại huyện Đắk Song, Cư Jút.
Các chuyên gia tìm hiểu thực tế việc áp dụng IPM và sử dụng thuốc trừ sâu trên các trang trại hồ tiêu ở Đắk Nông. Các chuyên gia đánh giá rất cao nông hộ, HTX ở Đắk Nông đã có những hành động mạnh mẽ trong áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp trên vườn cây.
Nhờ đó, nhiều nông dân, HTX ở Đắk Nông đã từng bước hạn chế đến mức thấp nhất việc tác động có hại đến môi trường, bảo đảm sản xuất nông sản an toàn, giảm phát thải khí nhà kính.
Dự án chuyển đổi các biện pháp quản lý dịch hại trên các trang trại cà phê, trà, hồ tiêu ở Việt Nam triển khai từ 2022-2025 ở Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Tuyên Quang và Phú Thọ.
Tại Đắk Nông, dự án đã xây dựng 6 mô hình áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp, với tổng diện tích gần 15ha hồ tiêu.
Dự án tập trung vào việc sử dụng hóa chất nông nghiệp trên các trang trại cà phê, trà và hồ tiêu ở Việt Nam với mục đích giảm thiểu tác động tiêu cực đến khí hậu và đa dạng sinh học.
Dự án sử dụng các công cụ GIS (hệ thống thông tin địa lý) để xác định các điểm nóng về sử dụng hóa chất, bằng cách chồng các tập dữ liệu vệ tinh hiện có.
Mục tiêu dự án là xây dựng cơ sở kiến thức về tình hình sử dụng thuốc trừ sâu hiện nay trong nông nghiệp Việt Nam và những tác động liên quan đến sức khỏe, môi trường.
Nguồn: https://baodaknong.vn/chuyen-gia-nuoc-ngoai-danh-gia-cao-cach-cham-soc-ho-tieu-o-dak-nong-234655.html