Hơn 250 đại biểu là các diễn giả, chuyên gia, đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể, cán bộ hoạt động trong lĩnh vực du lịch, doanh nghiệp, HTX trong tỉnh, TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai… tham gia diễn đàn.
Đắk Nông có thế mạnh phát triển nông nghiệp. Hầu hết các cây trồng, vật nuôi đều phát triển tốt, trù phú. Hệ thống sông, suối, hồ, đồi núi, thác, đồng ruộng… đa dạng, phong phú; khí hậu mát mẻ, thích hợp cho du lịch.
Du lịch nông nghiệp là một lợi thế. Tuy nhiên, Đắk Nông chưa khai thác tiềm năng này hiệu quả lĩnh vực này. Các trang trại, HTX, doanh nghiệp đang gặp khó trong chuyển đổi đất nông nghiệp để phát triển du lịch.
Các chuyên gia, diễn giả đã cho rằng, Đắk Nông cần học tập các tỉnh để xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp. Đắk Nông cần xây dựng nghị quyết, chính sách, dự án về phát triển du lịch nông nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Trí, Trưởng Khoa Du lịch, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Đắk Nông cần gắn kết giữa nhà làm du lịch (nông trại) – nhà khai thác (lữ hành) – Nhà nước để tạo ra các sản phẩm tốt, đặc trưng, phát triển thị trường. Tỉnh cần có các chính sách kết nối, thúc đẩy để du lịch phát triển”.
Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Đức Trí, Đắk Nông cần xây dựng hệ thống nhận diện du lịch của tỉnh. Tỉnh nên chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ về sản xuất nông nghiệp gắn với làm du lịch. Các sản phẩm nông nghiệp phục vụ phát triển du lịch cần được chú trọng phát triển và có chiến lược quảng bá, kết nối đầu ra bền vững.
Ngoài ra, Đắk Nông cần chú trọng kết hợp giữa du lịch nông nghiệp, nông thôn với văn hoá các dân tộc thiểu số và các lợi thế đặc biệt khác để tạo nên nét riêng.
Ông Phạm Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế nông nghiệp Việt Nam đánh giá: Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông là lợi thế mà nhiều nơi không thể có. Những lợi thế trên rất thuận lợi cho Đắk Nông phát triển du lịch.
Do đó, Đắk Nông cần hoạch định các chính sách khai thác tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển du lịch, trong đó có du lịch nông nghiệp.