Những năm qua, hoạt động sản xuất nông nghiệp của huyện Cư Jút có nhiều khởi sắc và phát triển theo hướng an toàn, bền vững. Năm 2023, cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp của huyện chiếm 24%.
Vùng trồng đậu nành xã Nam Dong, huyện Cư Jút, có diện tích gần 200ha. Đây là một trong những địa bàn phát triển nông nghiệp chất lượng cao của huyện. Những năm qua, các nông hộ trong vùng sản xuất đậu nành đã đáp ứng được các tiêu chí năng suất, chất lượng sản phẩm cho đơn vị liên kết.
Ông Phạm Văn Giang, thành viên HTX Đậu nành Nam Dong, cho biết: “Gia đình tôi được Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) hướng dẫn áp dụng các phương pháp canh tác hiện đại để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, nhiều năm liền, năng suất đậu nành của gia đình đạt trên 3 tấn/ha”.
Trong vụ hè thu năm 2024, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng đậu nành Vinasoy (VSAC) đưa giống đậu nành không biến đổi gen VINASOY 02-NS có năng suất, chất lượng vượt trội thay thế giống đậu nành địa phương hoa trắng truyền thống.
Đồng thời, trung tâm tích cực hướng dẫn nông dân tuân thủ đúng quy trình sản xuất, thay đổi dần tập quán canh tác cũ, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, giúp nâng cao giá trị hạt đậu nành địa phương.
Tương tự, HTX Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Bình Minh thành công trong việc liên kết với doanh nghiệp và nhóm hộ để sản xuất, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, tạo vị thế trên thị trường.
Đến nay, chỉ riêng ngành hàng hồ tiêu, HTX đã liên kết với 13 HTX, 825 nông hộ trồng hồ tiêu theo tiêu chuẩn quốc tế, với khoảng 1.138ha, sản lượng hơn 2.700 tấn/năm.
Trong chuỗi liên kết hồ tiêu, HTX đã kết nối với Công ty TNHH Chế biến gia vị Ned Spice Việt Nam để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, HTX liên kết.
Theo ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng NN – PTNT huyện Cư Jút, hiện nay phần lớn các HTX trên địa bàn huyện đều thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị.
Các thành viên HTX được tham gia tập huấn, chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng an toàn, bền vững.
“Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp của huyện đã và đang thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, khuyến nông và ứng dụng kỹ thuật mới. Qua đó, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, phát triển ngày càng hiệu quả, bền vững,” ông Hồ Sơn cho biết thêm.
Ông Hồ Sơn thông tin thêm, đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành và phát triển các tiểu vùng chuyên canh quy mô lớn như: chuyên canh cây lương thực, chuyên canh cây cà phê, hồ tiêu, đậu nành, đậu phụng, cây ăn trái, vùng sản xuất cây dược liệu… Năm 2023, giá trị sản xuất của huyện đạt trên 86 triệu đồng/ha/năm.
Hiện nay, huyện tập trung chương trình phát triển cây trồng chủ lực gắn với xây dựng mã vùng trồng làm cơ sở để quản lý chất lượng, đáp ứng nhu cầu sản phẩm hàng hóa xuất khẩu.
Huyện ưu tiên ứng dụng công nghệ 4.0 phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp. Trong đó, huyện chú trọng xây dựng các nền tảng, cơ sở dữ liệu phục vụ sản xuất như: truy xuất nguồn gốc, giao dịch, tiêu thụ nông sản, số hóa vùng trồng, vùng chăn nuôi, dịch bệnh, thị trường…
Từ đó, huyện kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh của cơ quan Nhà nước đối với người dân và doanh nghiệp.
“Trong thời gian tới, huyện tiếp tục phát triển các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ưu tiên các doanh nghiệp có năng lực tham gia dự án để dẫn dắt chuỗi giá trị vận hành hiệu quả. Từ đó, tiến tới hình thành các vùng sản xuất tập trung, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, ông Hồ Sơn cho hay.
Nguồn: https://baodaknong.vn/chuoi-gia-tri-nang-tam-cho-nong-nghiep-cu-jut-230795.html