Thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) là một trong những địa phương triển khai nhiều hoạt động giảm nghèo hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ sự quan tâm của chính quyền, sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội và nỗ lực của người nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố đã giảm từ 0,4% năm 2022 xuống còn 0,25% trong năm 2023.
Một trong những chương trình trọng tâm của thành phố là hỗ trợ cây trồng, vật nuôi tạo sinh kế cho người nghèo. Tại xã Chư Á, nhiều gia đình đã được nhận bò và lợn giống, các loại cây trồng; từ đó, giúp họ có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Nhiều hộ nghèo ở làng Wâu, xã Chư Á, thành phố Pleiku (Gia Lai) được hỗ trợ vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: TTXVN phát
Điển hình là gia đình chị H’Blăi (làng Bông Phun, xã Chư Á) đã vượt khó vươn lên. Chồng mất sớm, một mình chị gánh vác việc nhà, nuôi 3 con ăn học. Năm 2014, chính quyền xã Chư Á đã vận động các Hội, đoàn thể quyên góp, tặng bò sinh sản cho gia đình chị H’Blăi. Đến nay, đàn bò đã phát triển lên 7 con. “Cảm ơn chính quyền địa phương đã tặng bò, giúp tôi có thêm nguồn thu nhập từ chăn nuôi”, chị H’Blăi xúc động cho biết.
Theo ông Trần Duy Bách, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chư Á, toàn xã đã giảm được 16 hộ nghèo và 14 hộ cận nghèo so với năm 2022 theo tiêu chí mới. Đây là kết quả của sự hỗ trợ đa dạng các nguồn kinh phí khác nhau từ việc tặng bò và xây dựng nhà cho hộ nghèo.
Ngoài ra, giải pháp hỗ trợ vốn và sửa chữa, xây dựng nhà ở cũng mang lại hiệu quả thiết thực giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống. Tại phường Chi Lăng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường và Quỹ “Vì người nghèo” đã phát động chương trình “Hỗ trợ vốn – Trao sinh kế” cho các hộ nghèo trên địa bàn. Từ đầu năm 2023 đến nay, chương trình đã hỗ trợ vốn cho 6 hộ nghèo ở 2 làng Ia Lang và Ngol Tả để chăn nuôi bò, lợn và mua bán nhỏ. Ngoài ra, chương trình còn giúp xây mới và sửa chữa nhà ở cho 2 gia đình. Qua đó, tạo điều kiện cho người nghèo cải thiện nguồn thu nhập và đời sống .
Là một trong những người nghèo được hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ vốn và xây dựng nhà ở, chị Mluih (làng Ia Lang, phường Chi Lăng) vui mừng chia sẻ: “Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã tặng bò để giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập từ chăn nuôi. Nhờ đó, tôi đã xây dựng được nhà mới khang trang. Tôi rất hạnh phúc và sẽ cố gắng thoát nghèo bền vững”.
Bà Trần Thị Út, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Chi Lăng cho biết, cuối năm 2022, trên địa bàn phường còn 15 hộ nghèo và 30 hộ cận nghèo. Theo kế hoạch, địa phương tiếp tục tìm kiếm nguồn lực nỗ lực giúp đỡ từ 8 đến 10 hộ thoát nghèo vào cuối năm 2023.
Phát huy vai trò là cầu nối giữa Nhà nước và nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Pleiku đã vận động các tổ chức, nhà hảo tâm ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội. Theo ông Từ Văn An, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Pleiku, năm 2022, Mặt trận hai cấp đã vận động được 1,7 tỷ đồng từ các nguồn quỹ để xây dựng nhà đại đoàn kết, hỗ trợ vốn và sinh kế cho các hộ nghèo. Mặt trận thành phố cũng đã xây dựng, sửa chữa nhà đại đoàn kết cho 12 hộ nghèo, hỗ trợ sinh kế cho 31 hộ nghèo và 50 học sinh nghèo được đi học.
Dù đã đạt được những kết quả đáng mừng, song thành phố vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn trong giảm nghèo. Theo ông Nguyễn Hữu Sung, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Pleiku, một trong những thách thức lớn nhất là việc duy trì và phát triển bền vững các mô hình sinh kế cho người nghèo. Nhiều hộ nghèo sau khi được hỗ trợ vốn, cây trồng, vật nuôi không chăm sóc và quản lý tốt, dẫn đến không hiệu quả hoặc mất vốn. Ngoài ra, nâng cao ý thức của người nghèo cũng là một vấn đề nan giải. Nhiều người nghèo chưa có ý thức vươn lên, vẫn mong muốn được giúp đỡ từ bên ngoài.
Để giải quyết những khó khăn này, ông Nguyễn Hữu Sung cho biết, thành phố tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ cho người nghèo theo hướng phù hợp với điều kiện và nhu cầu của từng địa bàn, đối tượng; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho người nghèo để họ có thể sử dụng hiệu quả các nguồn lực được hỗ trợ. Bên cạnh đó, địa phương có những biện pháp kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả của các chương trình giảm nghèo, qua đó kịp thời điều chỉnh và hoàn thiện.