Người Ê Ðê theo chế độ mẫu hệ, điều này được in đậm dấu ấn ở kiến trúc và trang trí nghệ thuật trên ngôi nhà dài truyền thống. Khi đặt chân lên chiếc cầu thang vào nhà, ta thấy những biểu trưng nữ quyền được thể hiện rất rõ nét bởi đôi bầu vú của người phụ nữ và hình vầng trăng khuyết, thậm chí ngay cả ở cách bài trí đồ đạc trong nhà.
Ðể tìm hiểu về những điều huyền bí ở chiếc cầu thang để lên ngôi nhà dài của người Ê Ðê, chúng tôi tìm gặp già làng Y Pri Niê 84 tuổi ở buôn Sút Mđưng, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Ðắk Lắk.
Già Y Pri Niê cho biết: Nhà dài của người Ê Ðê có hai loại cầu thang, một loại cầu thang tròn, dùng thân cây gỗ nguyên khối đục các bậc thang, thường dùng làm cầu thang phụ đặt ở cửa phía sau hay đặt một bên ở phía trước, cạnh cầu thang chính. Một loại là cầu thang dẹt, thường có chiều rộng từ 0,8-1m, chiều cao gần 2m và có từ 5-7 bậc lên xuống. Theo quan niệm của người Ê Ðê, số lẻ là số sinh, số may mắn, số phát triển.
Còn bà H’Ngoa Niê tại buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết: Cầu thang của ngôi nhà dài có ý nghĩa rất quan trọng, linh thiêng với người Ê Ðê, bởi đó là nơi đầu tiên phải bước lên để vào trong nhà.
Trong đó, hình ảnh đôi bầu vú khắc họa rõ nét nhất chế độ mẫu hệ, người Ê Ðê coi trọng việc nuôi dưỡng con cái, họ tôn trọng nguồn sữa nuôi dạy nên những con người trưởng thành.
Bên trên nữa là hình ảnh vầng trăng khuyết, biểu trưng cho sự chung thủy, uy tín của người phụ nữ trong gia đình. Ðầu cầu thang luôn được vuốt cong như hình mũi thuyền độc mộc đang lướt sóng, vì người Ê Ðê luôn tưởng nhớ về tổ tiên của họ, những người đã đi khai phá vùng đất mới.
Theo già làng Y Pri Niê, người Ê Ðê xưa theo tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh, rừng cây cũng có thần cai quản. Do đó, để chọn được cây gỗ tốt làm cầu thang, trước khi đi lấy gỗ, chủ nhà phải làm lễ cúng ở nhà và sau đó là lễ cúng trước cây gỗ lớn đã chọn để xin phép được mang cây gỗ đó về nhà. Những cây gỗ này khi làm cầu thang mới được bền chắc, không bị mối mọt, mục ruỗng. Lễ vật trong lễ cúng thường là một con gà và một ché rượu.
Sau lễ cúng, gia chủ được phép bắt tay vào làm cầu thang. Nghệ nhân làm cầu thang cũng phải lựa người khéo léo, tỉ mỉ và cẩn thận, có như vậy chiếc cầu thang mới đẹp, các bậc thang đều, thẳng, có độ cao vừa phải với ngôi nhà. Hình đôi bầu vú cũng phải tròn trĩnh, cân xứng với nhau; vầng trăng khuyết được đặt cân đối, chính giữa phía trên đôi bầu vú.
Khi cầu thang đã hoàn chỉnh, người Ê Ðê một lần nữa làm lễ cúng, báo cáo việc chiếc cầu thang đã hoàn tất và xin phép được gác lên sàn nhà để đưa vào sử dụng. Trong quá trình sử dụng, nếu cầu thang bị hư hỏng, cũ mục thì gia chủ cũng không được tự ý thay mà phải nhân một dịp đặc biệt, khi gia đình tổ chức lễ cúng với con vật hiến sinh là con heo, bò hoặc trâu thì mới đồng thời tiến hành xin phép để làm cầu thang mới.
Cầu thang có ý nghĩa rất quan trọng và linh thiêng đối với đồng bào dân tộc Ê Ðê cho nên dù trong cuộc sống hiện đại, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nhưng những nét văn hóa đặc trưng đó vẫn được đồng bào Ê Ðê gìn giữ, nâng niu.
Về các buôn làng đồng bào Ê Ðê ở Ðắk Lắk hiện nay, chúng ta vẫn bắt gặp những chiếc cầu thang với hình đôi bầu vú căng tròn của người phụ nữ, hình vầng trăng khuyết, con rùa hay ngôi sao trên chiếc cầu thang, vừa tạo cho chiếc cầu thang thêm phần cuốn hút, vừa nhắc nhở mọi người phải nhớ đến công lao của người phụ nữ trong việc nuôi nấng con cái cũng như chăm lo gia đình.
Nguồn: https://baodaknong.vn/chiec-cau-thang-o-ngoi-nha-dai-cua-nguoi-e-de-233652.html