Thu nhập ổn định với dệt thổ cẩm
Mặc dù đã trưa nhưng cô gái trẻ Thị Thanh vẫn miệt mài, cần mẫn lên len cho khung dệt mới. Chị đang tranh thủ gấp rút thời gian dệt hoàn thành chiếc áo thổ cẩm để kịp giao cho khách theo đơn đặt hàng trước đó. Từng công đoạn dệt được cô gái 31 tuổi làm tỉ mỉ, cẩn thận. Dưới bàn tay khéo léo, thoăn thoắt của chị những hoa văn hình vuông, chữ nhật với những họa tiết cách điệu đẹp mắt, màu sắc rực rỡ dần hiện lên trên tấm thổ cẩm. Để thuần thục như ngày hôm nay, chị Thanh đã biết đến và bắt đầu học dệt từ năm 13 tuổi do bà nội chị dạy nghề.
Lúc đầu, chị Thanh chỉ tận dụng thời gian rảnh rỗi để dệt nên những tấm thổ cẩm dùng trong gia đình. Dần dần, chị Thanh nhận thấy nhu cầu về trang phục truyền thống được nhiều người quan tâm, trong khi số lượng người biết dệt trong bon ngày càng ít đi. Mong muốn lưu giữ nghề, đồng thời, tạo thu nhập cho bản thân đã thôi thúc cô gái trẻ theo nghề nghiêm túc.
Nghĩ là làm, chị Thanh tìm tòi cách dệt các hoa văn mới, kết hợp những hoa văn cổ được truyền dạy từ bà để làm nên những sản phẩm đẹp mắt, thu hút khách hàng. Chị đầu tư mua thêm nguyên liệu, gia cố lại khung dệt, học cách dệt năng suất hơn. Hiện tại trung bình 1 tuần, chị Thanh có thể dệt được khoảng 3 chiếc áo thành phẩm. Mỗi tháng, công việc cũng giúp chị có thu nhập từ 7 – 9 triệu đồng.
Mở rộng thị trường
Để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chị Thị Thanh không chỉ dệt sản phẩm theo đơn đặt hàng của bà con trong bon mà còn chủ động đi tìm khách hàng. Chị Thị Thanh đăng bán các sản phẩm của mình làm ra như túi, quần áo thổ cẩm lên mạng xã hội zalo, facebook, tiktok. Chị Thanh liên kết với các chị em khác trong bon tham gia dệt thổ cẩm cùng mình để tăng năng suất, làm ra được nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Chị Thị Thanh cho biết: “Tôi đã đẩy mạnh đăng tải, bán sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội và được khách hàng tìm đến, đặt hàng. Nhiều khách hàng quen, ở gần thì họ tự đến nhà đặt mua. Tôi rất vui vì bán được sản phẩm, kiếm tiền bằng chính công sức của mình lại góp phần lưu giữ được truyền thống văn hóa của dân tộc M’nông”.
Cùng với theo đuổi nghề dệt, chị Thị Thanh còn kết nối với các hộ dân trong bon sản xuất rượu cần truyền thống để bán. Nhu cầu tiêu thụ ban đầu chủ yếu phục vụ trong lễ, tết và các dịp quan trọng của các gia đình trong bon. Tiếng lành đồn xa, rượu cần do các hộ và chị Thị Thanh liên kết sản xuất được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết tới, tìm mua. Công việc không chỉ giúp chị Thanh, người dân trong bon có thêm thu nhập mà còn giúp bà con thêm yêu quý và giữ gìn văn hóa truyền thống.
Anh Tôn Đức Bảo, Bí thư Huyện đoàn Đắk R’lấp cho rằng, chị Thị Thanh là một bạn trẻ rất năng động, nhiệt tình trong các phong trào hoạt động đoàn, hội tại địa phương. Chị là tấm gương phát triển kinh tế trong thanh niên địa bàn. Chị đã biết vận dụng sáng tạo công nghệ số trong việc bán sản phẩm truyền thống của dân tộc, ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc rất đáng hoan nghênh.
Nguồn: https://baodaknong.vn/chi-thi-thanh-lap-nghiep-tu-van-hoa-truyen-thong-233704.html