Đắk Nông có hơn 300.000 ha cây trồng các loại. Trong đó, cà phê 137.849 ha; hồ tiêu 34.099 ha; cao su 23.515 ha; sầu riêng hơn 6.000 ha; lúa 13.008 ha, bắp 40.077 ha… Những năm qua, Đắk Nông đã thực hiện hiệu quả nhiều chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp của Trung ương và địa phương.
Cụ thể như chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ; chính sách phát triển sản xuất giống; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp…
Đơn cử, tại huyên Cư Jút, sau 4 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, địa phương đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất.
Theo ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng NN – PTNT huyện Cư Jút, đến nay, người dân đã áp dụng kỹ thuật để gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nhằm mang lại hiệu kinh tế quả cao. Đây là nỗ lực sau nhiều năm huyện Cư Jút triển khai chính sách kêu gọi, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với nông dân, HTX sản xuất theo chuỗi giá trị. “Huyện từng bước chuyển từ nông nghiệp số lượng sang chất lượng, giá trị cao. Kết quả cụ thể hơn là năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản của huyện đạt 6,8%”, ông Sơn cho hay.
Tại huyện Krông Nô, cùng với việc thực hiện chính sách đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, huyện cũng xây dựng nhiều dự án, chương trình phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, các chương trình cải tạo đàn bò; xây dựng cánh đồng mẫu lúa nước tại xã Buôn Choáh; sản xuất bắp lai F1; tái canh cà phê; sản xuất nông nghiệp chất lương cao… đều mang lại hiệu quả tích cực.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN – PTNT, những năm qua, việc thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp ở Đắk Nông đã mang lại hiệu quả rất lớn. Từ cây con giống, vật tư, máy móc, thiết bị sản xuất… đều được cải thiện chất lượng rõ rệt. Thông qua các chính sách, tỉnh đã xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả.
Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp của tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế. Nguyên nhân do quy mô, trình độ sản xuất của người dân, HTX còn yếu kém. Việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật còn chậm. Các HTX chưa liên kết được nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản có đủ tầm kết nối thị trường…
Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, thời gian tới, Đắk Nông định hướng phát triển trồng trọt theo hướng hình thành vùng sản xuất tập trung, hàng hóa, đáp ứng yêu cầu thị trường. Tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn với xây dựng chuỗi giá trị. Tỉnh xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, phát triển thương hiệu sản phẩm; liên kết vùng, liên kết ngành và hợp tác quốc tế để phát triển cả thị trường trong nước, xuất khẩu.
“Sở NN – PTNT sẽ đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với vùng sản xuất tập trung. Ngành sẽ tập trung hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với vùng nguyên liệu”, ông Phạm Tuấn Anh cho biết thêm.
Hàng năm, ngân sách Trung ương hỗ trợ cho Đắk Nông khoảng 30 tỷ đồng để phát triển nông nghiệp. Tỉnh được hỗ trợ 17 tỷ đồng để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa. Đắk Nông triển khai hỗ trợ các mô hình tưới nước tiết kiệm, nhà phơi sấy, nhà kính, xây dựng chuỗi giá trị, với kinh phí 168 tỷ đồng…