Tại huyện Đắk Mil, 6 tháng đầu năm 2024, đàn gia cầm tăng khá nhanh. Trong đó, xu hướng chăn nuôi gia cầm quy mô lớn theo hình thức trang trại ngày càng được người dân, doanh nghiệp chú trọng.
Đàn gia cầm của huyện tăng khoảng 85.000 con so với cùng kỳ 2023, hiện đạt trên 508.500 con. Địa phương hiện có 17 trang trại gà, 4 trang trại vịt.
Theo anh Nguyễn Tăng Hưng, thôn Bắc Sơn, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, gia đình anh đã duy trì việc chăn nuôi gia cầm từ nhiều năm nay.
Năm 2024, tình hình giá cả vật tư, thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao nhưng ổn định hơn nên anh duy trì phát triển chăn nuôi các loại gia cầm, trong đó chủ yếu là vịt.
Hiện anh có 7.000 con vịt Bắc Kinh siêu thịt. Cứ gần 2 tháng anh xuất bán một lứa với mức giá dao động trong khoảng 45.000 đồng/kg, tính ra trung bình anh thu lãi khoảng 7.000 đồng/con vịt. Anh hy vọng, với 7.000 con vịt, sắp tới anh có mức lãi 50 triệu đồng.
Anh Hưng cho rằng, chăn nuôi theo quy trình khép kín, trang trại ban đầu cần vốn đầu tư khá lớn nhưng sau đó lại nhanh thu hồi và giảm thiểu được nguy cơ về dịch bệnh. Sản phẩm chất lượng cao nên giá bán cũng cạnh tranh hơn so với hình thức nuôi nhỏ lẻ.
Gia đình anh Trần Văn Thắng, thôn 11, xã Đắk Sin, huyện Đắk R’lấp, hiện nuôi khoảng 1.000 con gà lai theo hình thức vừa nhốt vừa thả vườn.
Kinh nghiệm của anh là chọn mua con giống ở địa chỉ cung ứng uy tín, các công ty được ngành chức năng chứng nhận đạt chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Anh đã tiêm chủng đủ vắc xin ban đầu để hạn chế sự phát sinh dịch bệnh.
Quá trình nuôi gà, anh luôn tuân thủ tốt các biện pháp phòng, chống các bệnh thông thường trên gà, bổ sung các loại vitamin để tăng sức đề kháng vật nuôi vào các thời điểm thời tiết bất lợi.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, tổng đàn gia cầm của tỉnh đến tháng 6/2024 vượt mức 3.120.000 con, bằng 104% so với kế hoạch năm, tăng khoảng 900.000 con so với cùng kỳ năm 2023. Toàn tỉnh có 66 trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô lớn.
Tuy nhiên hoạt động chăn nuôi gia cầm ở quy mô nông hộ, nhỏ lẻ còn nhiều, khoảng 25.000 hộ chủ yếu ở các địa bàn như Krông Nô, Cư Jút, Tuy Đức, Đắk Song.
Để thúc đẩy chăn nuôi gia cầm phát triển bền vững, ngành chức năng, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân triển khai các biện pháp an toàn dịch bệnh.
Cơ quan chuyên môn siết chặt việc kiểm tra, kiểm soát nhằm bảo đảm nguồn giống cung ứng ra thị trường có nguồn gốc, chất lượng cao.
Các trạm kiểm dịch động, thực vật nội địa, cửa khẩu Đắk Peur và Bu P’răng phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, quản lý thị trường, đồn biên phòng, hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh.
Các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm việc kiểm dịch tại gốc; duy trì chế độ trực 24/24 giờ tại các chốt kiểm dịch đầu mối giao thông; giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ngành Nông nghiệp duy trì theo dõi, lấy mẫu định kỳ nhằm phát hiện sớm các ổ bệnh. Các hoạt động về vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường, chuồng trại, các địa điểm có nguy cơ như đầu mối giao thông, cửa khẩu, chợ, lò giết mổ gia súc, gia cầm được thực hiện đúng quy định. Toàn tỉnh đã sử dụng trên 3.700 lít hóa chất để tiêu độc khử trùng ở các địa phương.
Chính vì thế, chăn nuôi gia cầm của tỉnh phát triển ổn định, 6 tháng đầu năm nay, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia cầm không xảy ra.
Nguồn: https://baodaknong.vn/chan-nuoi-gia-cam-o-dak-nong-phat-trien-manh-224878.html