Chiều 13/12, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Viện Khoa học nông-lâm nghiệp Tây Nguyên và Công ty cổ phần phân bón Bình Điền tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình canh tác cà-phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu niên vụ 2024-2025.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền cho biết, cà-phê là nông sản xuất khẩu quan trọng thứ 2 sau lúa gạo và năm 2024 dự kiến kim ngạch xuất khẩu có thể đạt mốc 5,5 tỷ USD. Tuy nhiên, phát triển cà-phê chưa bền vững, đầu tư phân bón vẫn chiếm tỷ lệ cao trong giá thành và thay đổi khi thị trường có biến động.
Giá cà-phê tăng, người dân bón phân tăng, giá giảm sẽ bón giảm, không tuân thủ hướng dẫn của khuyến nông và các nhà khoa học làm vườn cây thiếu bền vững, bệnh, đặc biệt bệnh từ đất tăng đột biến làm năng suất và chất lượng cà-phê không ổn định, diện tích phải tái canh tăng lên.
Một hiện tượng phổ biến gần đây là tình trạng xen cà-phê với các cây trồng khác, đặc biệt là cây ăn trái như sầu riêng, bơ và cây công nghiệp cao su, hồ tiêu… nhưng chưa có quy trình canh tác phù hợp cho hệ thống trồng xen.
Xuất phát từ thực trạng sản xuất cà-phê, tiếp nối thành công của Chương trình canh tác lúa thông minh tại đồng bằng sông Cửu Long mà kết quả đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật và đang được ứng dụng nhân rộng trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu long; Công ty cổ phần phân bón Bình Điền đã khởi động “Chương trình canh tác cà-phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2023-2026”.
Chương trình có mục tiêu xây dựng quy trình canh tác cà-phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu áp dụng cho vùng Tây Nguyên, giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong canh tác cà-phê, hướng đến phát triển cà-phê bền vững và giảm phát thải khí nhà kính.
Chương trình có sự đồng hành của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Viện khoa học kỹ thuật Nông-lâm nghiệp Tây Nguyên và Trung tâm Khuyến nông của năm tỉnh Tây Nguyên cùng nhiều chuyên gia trong Hội đồng khoa học kỹ thuật của công ty.
Với mục tiêu trên, trong niên vụ 2024-2025, chương trình đã chính thức được triển khai thực hiện ở năm tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon Tum. Với cách tiếp cận vừa khoa học, vừa thực tiễn, chương trình đã thu thập 200 mẫu đất để phân tích trên 2.300 chỉ nông hoá, tiến hành điều tra trên 500 hộ sản xuất cà-phê để đánh giá thực trạng sức khỏe đất, các quy trình canh tác đang được người dân áp dụng trong ba hệ thống canh tác phổ biến hiện nay là: Cà-phê trồng thuần, cà-phê trồng xen với hồ tiêu và cà-phê trồng xen với sầu riêng. Dựa trên dữ liệu thứ cấp của các cơ quan chuyên môn cùng với kết quả phân tích mẫu đất, phân tích quy trình canh tác của nông dân, chương trình đã xây dựng quy trình canh tác để triển khai vào 15 mô hình ở các tỉnh với việc sử dụng các sản phẩm phân bón mới của Bình Điền như: phân bón cải tạo đất, phân bón có bổ sung vi sinh vật….
Theo kết quả đánh giá sơ bộ của các bên tham gia, các mô hình đạt được kết quả khá tốt, năng suất và hiệu quả kinh tế sản xuất sầu riêng tăng. Với cà-phê và hồ tiêu, tuy chưa thu hoạch nhưng chất lượng vườn cây được cải thiện, dự báo năng suất và hiệu quả cũng sẽ tăng cao…
Nhằm đánh giá kết quả thực hiện chương trình niên vụ 2024-2025 và xây dựng kế hoạch 2025-2026, Công ty cổ phần phân bón Bình Điền phối hợp với các đơn vị đồng hành gồm Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Viện Khoa học kỹ thuật Nông-lâm nghiệp Tây Nguyên và lực lượng cán bộ kỹ thuật ở Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Tây Nguyên tổ chức sơ kết chương trình canh tác cà-phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu niên vụ 2024-2025, trên cơ sở đó triển khai thực hiện kế hoạch 2025-2026 mang lại hiệu quả cao hơn.
Tại Hội nghị, các chuyên gia của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Viện Khoa học kỹ thuật Nông-lâm nghiệp Tây Nguyên, Hội đồng khoa học Công ty cổ phần phân bón Bình Điền và Trung tâm Khuyến nông năm tỉnh Tây Nguyên đã chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả trong quá trình sử dụng các sản phẩm phân bón mới của Bình Điền như: phân bón cải tạo đất, phân bón có bổ sung vi sinh vật… thông qua 15 mô hình triển khai ở các tỉnh trong niên vụ 2024-2025, trên cơ sở đó để tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình trong thời gian tới, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho người nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên…
Nguồn: https://baodaknong.vn/canh-tac-ca-phe-thong-minh-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-236836.html