Gia đình ông Lê Văn Dũng ở xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) có hơn 2ha sầu riêng. Vụ sầu riêng vừa qua, ông Dũng thu hoạch được khoảng 35 tấn quả. Sau khi trừ chi phí, ông lãi hơn 1 tỷ đồng.
Theo ông Dũng, sau giai đoạn nuôi trái và thu hoạch, cây sầu riêng rất mất sức và suy kiệt. Giai đoạn này, cây dễ bị sâu bệnh hại tấn công, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời sẽ rất nguy hiểm.
Ông Dũng cho biết: “Sau khi thu hoạch xong, tôi tiến hành cắt tỉa cành, vệ sinh vườn cây. Qua đó, giúp vườn sầu riêng thông thoáng, hạn chế sâu bệnh phát triển, cây nhanh phục hồi”.
Theo ông Hoàng Văn Sáu ở xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, trong mùa mưa, vườn sầu riêng thường gặp hiện tượng đất bị đóng váng, không còn thoáng khí. Vì vậy, khi mùa khô đến, đất bị thiếu ôxy, tích tụ CO2 cùng các chất độc khác làm rễ sầu riêng bí, nghẹt, dẫn đến thối.
Ông Sáu cho hay: “Để hạn chế thiệt hại do mưa kéo dài, vườn cây bị ngập nước lâu ngày, bà con cần xử lý vườn cây trước mùa mưa, tiêu nước tốt trong mùa mưa và phục hồi vườn cây sau ngập úng”.
Ông Sáu cho biết thêm, khả năng chống chịu nắng hạn của cây sầu riêng không được tốt. Cây ở giai đoạn kiến thiết cơ bản chịu khô hạn kém hơn cây trưởng thành.
Cây đang phát triển sinh khối như ra đọt non, phát triển rễ tơ, ra hoa hay nuôi trái… phải tiêu tốn nhiều năng lượng nên khi gặp khô hạn dễ bị héo úa, sốc nhiệt, có thể chết.
Do đó, bà con cần cung cấp nước đầy đủ để giúp vườn sầu riêng có sức chịu đựng, không ảnh hưởng đến việc phát triển chồi, lá, phân hóa mầm hoa sau này.
Sau khi kết thúc mùa mưa, bà con nên phun thuốc phòng bệnh cho sầu riêng, đặc biệt chú ý các loại nấm bệnh gây hại nặng là nấm phytophthora và fusarium.
Theo Giáo sư Trần Văn Hau, Bộ môn Khoa học cây trồng, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, vào mùa khô cây sầu riêng thường có những hiện tượng rụng lá, suy yếu bộ rễ và thường xuyên gặp những loại sâu bệnh tấn công như sâu đục lá, bọ cắn lá, nấm, bệnh đốm lá…
Bệnh có thể xâm nhập qua thân, cành, lá non. Ngoài ra, cây sầu riêng còn bị bệnh thán thư. Khi bị bệnh nặng, các vết bệnh liên kết với nhau thành từng mảng khiến lá khô rồi rụng.
Các loại sâu bệnh dễ tấn công cây sầu riêng vào mùa khô như sâu xanh, sâu cuốn lá, bướm đuôi cá, sâu bướm đêm, nấm mốc… Bà con nên chú ý theo dõi để có những biện pháp phòng, ngừa tốt cho cây.
Cũng theo Giáo sư Trần Văn Hau, vào mùa khô, người trồng sầu riêng sau khi tỉa cành cần thu gom và vệ sinh vườn. Điều quan trọng nhất trong mùa khô là cung cấp nước hợp lý cho sầu riêng.
Đối với mỗi cây sầu riêng non, bà con nên tưới khoảng 50 lít nước/lần. Đối với cây sầu riêng trưởng thành, nên tưới 80 lít nước/lần. Nếu tưới quá ít, cây sẽ không đủ nước, khó phát triển và tưới quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến bộ rễ.
Cách khoảng 2 – 3 ngày, bà con nên tưới nước cho cây sầu riêng 1 lần để cung cấp lượng nước đủ giúp cây dễ dàng quang hợp, hấp thu dinh dưỡng, tăng sự phát triển.
Trong mùa khô, người dân nên sử dụng phân bón hữu cơ bổ sung vi lượng thiết yếu để bón cho sầu riêng. Phân bón hữu cơ giúp cải thiện cấu trúc đất, giữ độ ẩm và cung cấp chất dinh dưỡng dồi dào cho cây.
Các phân bón hóa học có chứa các nguyên tố vi lượng như nitrogen (N), phosphorus (P), và potassium (K) cũng cần bổ sung hợp lý cho sầu riêng. Lưu ý là các loại phân bón hóa học đem lại dinh dưỡng cho cây sầu riêng nhưng nếu bón không đều, quá liều sẽ gây phản tác dụng .
Nguồn: https://baodaknong.vn/cach-cham-soc-sau-rieng-trong-mua-kho-234499.html