Theo thống kê, xuất khẩu của Anh sang ASEAN đã tăng 21,4% từ mức 38,3 tỷ bảng (hơn 48,77 tỷ USD) lên 46,5 tỷ bảng, trong khi London cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 tại ASEAN.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN-Anh lần thứ ba. (Ảnh: Hữu Chiến/TTXVN)
Ngày 20/8, Hội nghị tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM)-Anh lần thứ 3 đã diễn ra tại thành phố Semarang, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan và Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Nigel Huddleston.
Bộ trưởng Du lịch, Thương mại và Công nghiệp Timor Leste Filipus Nino Pereira tham dự với tư cách quan sát viên.
Tại hội nghị, hai bên vui mừng nhận thấy trao đổi thương mại ASEAN-Anh năm ngoái đã tăng hơn 20% so với năm liền kề trước đó, cho thấy sự phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Theo thống kê, xuất khẩu của Anh sang ASEAN đã tăng 21,4% từ mức 38,3 tỷ bảng (hơn 48,77 tỷ USD) lên 46,5 tỷ bảng, trong khi London cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 tại ASEAN.
Hội nghị ghi nhận sự ủng hộ của Anh đối với các nội dung kinh tế ưu tiên của Chủ tịch ASEAN Indonesia năm 2023, nhất là Khuôn khổ Dự án Sáng kiến Công nghiệp ASEAN và Lộ trình Hài hòa hóa các tiêu chuẩn nhằm hỗ trợ các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Hội nghị ghi nhận sự phối hợp giữa Anh và ASEAN nhằm xây dựng Chương trình Hội nhập Kinh tế ASEAN-Anh mới, trong đó Chính phủ Anh có kế hoạch hỗ trợ 25 triệu bảng nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế ASEAN trong 5 năm tới; đồng thời ghi nhận kế hoạch cam kết của Anh với ASEAN nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) và trao quyền kinh tế cho phụ nữ.
Hội nghị hoan nghênh tiến triển trong việc xây dựng Kế hoạch Công tác thực hiện Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng về Hợp tác Kinh tế được thông qua năm ngoái, thể hiện qua việc 26 hoạt động trong 11 lĩnh vực ưu tiên liên quan đến 26 cơ quan chuyên ngành của ASEAN đã được triển khai từ năm ngoái và 60 hoạt động khác dự kiến được triển khai trong những năm tiếp theo.
Hội nghị cũng hoan nghênh sự đóng góp quan trọng và liên tục của Anh trong việc hỗ trợ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ tài chính, kinh tế số, khoa học và công nghệ, đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, phát triển kỹ năng, xây dựng chuỗi cung ứng, cũng như hỗ trợ ASEAN xây dựng các quy định, tiêu chuẩn thương mại và đầu tư.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị. (Ảnh: Hữu Chiến/TTXVN)
Hai bên cũng ghi nhận việc triển khai Chương trình Lãnh đạo Bền vững ASEAN về cơ sở hạ tầng; Chương trình Đối tác Đầu tư Anh trong đó cung cấp nhiều sự hỗ trợ cho các quốc gia thành viên ASEAN; đồng thời hoan nghênh các hoạt động được triển khai trong khuôn khổ Đối tác Đổi mới Kỹ thuật số ASEAN-Anh (DIP).
Hội nghị cũng ghi nhận sự hỗ trợ của Anh dành cho báo cáo “Tài chính xanh: Cơ hội thúc đẩy hợp tác Anh SEAN” và ấn phẩm “Phân tích khoảng cách thương mại điện tử về sở hữu trí tuệ ASEAN.”
Chia sẻ quan điểm rằng việc ngăn chặn các tác động nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu là điều cần thiết để đảm bảo tăng trưởng bền vững trong dài hạn của ASEAN, hội nghị hoan nghênh Chương trình Chuyển đổi Xanh ASEAN-Anh, trong đó hỗ trợ các chính sách khí hậu trên toàn khu vực, tạo môi trường thuận lợi thu hút tài chính xanh và giảm sử dụng các nguồn năng lượng gây ô nhiễm./.