Khoảng 70.000 hộ canh tác cà phê
Với những ưu đãi về đất đai, khí hậu, cà phê là cây trồng chủ lực, thế mạnh của Đắk Nông. Cà phê cũng là nông sản đặc trưng, lợi thế địa phương và là niềm tự hào của Đắk Nông.
Anh Trần Hồng Hà, thôn 9, xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) đã gắn bó với cây cà phê trên 20 năm qua. Anh Hà có hơn 2ha đất trồng cà phê.
Anh là người tiên phong ở địa phương sử dụng các giống cà phê mới có chất lượng cao như xanh lùn, TR1. Anh Hà tích cực áp dụng quy trình canh tác cà phê theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao và ổn định.
Vườn cà phê của anh nhiều năm liền đạt mức năng suất trung bình gần 3,5 tấn/ha. Theo anh Hà, cà phê là cây trồng đã đem lại cuộc sống ổn định cho gia đình anh nhiều năm qua.
Tuy có không ít thời điểm cà phê chịu nhiều tác động của thời tiết bất lợi, vật tư đầu vào tăng mạnh, giá cả xuống thấp, nhưng gia đình anh Hà vẫn kiên trì chăm sóc, ổn định diện tích. Năm 2024 này gia đình anh rất phấn khởi vì được mùa, được giá, cuộc sống khấm khá hơn.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN – PTNT thông tin: Đắk Nông có thể trồng nhiều loại cây trồng khác nhau nhưng cà phê vẫn là cây gắn bó với người dân nhiều nhất. Tỉnh đáng có khoảng 70.000 hộ dân canh tác, tạo sinh kế từ cà phê.
Cà phê là cây trồng phù hợp, hiệu quả, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đỏ bazan ở Đắk Nông. Cà phê được trồng trên địa bàn tất cả các huyện, TP. Gia Nghĩa.
“Cà phê là cây trồng chủ lực có sự phát triển ổn định nhất của tỉnh, tạo sinh kế cho hàng chục ngàn người, đóng góp lớn cho nền kinh tế Đắk Nông”, ông Phạm Tuấn Anh khẳng định.
Trải qua nhiều thăng trầm, biến động của thị trường nhưng người nông dân vẫn chung thủy với cây cà phê. Diện tích cây trồng này chiếm tỷ lệ lớn, với 35% trong cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp của tỉnh. Giống cà phê được canh tác hầu hết ở tỉnh là cà phê vối.
Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, giá trị ngành hàng cà phê những năm qua liên tục được gia tăng nhờ quy mô, năng suất, chất lượng sản phẩm không ngừng được mở rộng, nâng cao.
Đắk Nông ngày càng chuyên sâu, chuyên nghiệp hóa ngành hành cà phê. Tỉnh đã tạo được vùng nguyên liệu cà phê quy mô hàng hóa lớn, chất lượng sản phẩm đồng đều.
Tỉnh đẩy mạnh liên kết cũng như thúc đẩy việc thực hiện kinh tế cà phê bền vững, hiệu quả trên cơ sở bảo đảm các yếu tố về sinh kế, an sinh xã hội, môi trường.
Đắk Nông hiện có 25 liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê, với 12 HTX, 13 doanh nghiệp, 7.691 hộ dân tham gia, tổng diện tích khoảng 13.284 ha, sản lượng 40.788 tấn/năm.
Nâng tầm cho cà phê Đắk Nông
Theo lãnh đạo Sở NN – PTNT, cà phê là một trong 4 cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Nông. Năm 2024, Đắk Nông có khoảng 143.000ha cà phê, trong đó diện tích cho thu hoạch hơn 131.000ha, sản lượng khoảng 350.000tấn.
Hiện nay, diện tích, sản lượng cà phê của Đắk Nông đứng thứ 3 cả nước cũng như khu vực Tây Nguyên, sau tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng. Tỉnh đã có vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao Thuận An, với quy mô 335ha.
Những năm qua, các cấp, ngành, người dân, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế hợp tác đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng tầm cho cây cà phê.
Trên cơ sở tái cơ cấu toàn ngành Nông nghiệp, cà phê được tính toán ổn định diện tích, xác định các vùng lợi thế chính theo các giai đoạn. Song song với đó, tỉnh đẩy mạnh việc tái canh cà phê, xây dựng các mô hình về canh tác giống mới.
Từ năm 2021 đến nay, Đắk Nông đã tái canh 27.980ha cà phê, đạt 21,11% tổng diện tích cà phê của toàn tỉnh. Các diện tích cà phê sau tái canh đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước. Điển hình nhiều vườn cà phê chăm sóc tốt đạt mức năng suất 4 – 5 tấn/ha.
Người trồng cà phê ngày càng nhân rộng thực hành các quy trình, kỹ thuật canh tác tiên tiến nhằm ổn định năng suất, chất lượng sản phẩm.
Với những lợi thế, tiềm lực sẵn có, người trồng cà phê Đắk Nông đã mạnh dạn đầu tư cho các chuỗi giá trị về cà phê đặc sản. Hiện diện cà phê đặc sản của Đắk Nông đạt mức 225ha, sản lượng đạt 251 tấn/năm.
Đắk Nông có gần 23.500ha cà phê đạt các tiêu chuẩn chứng nhận như 4C, RA, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, sản lượng trên 82.000 tấn/năm. Tỉnh đã có 25 sản phẩm cà phê của 21 chủ thể được công nhận OCOP, trong đó có 6 sản phẩm đạt 4 sao, 19 sản phẩm 3 sao.
Đắk Mil, vùng đất có lịch sử phát triển cà phê lâu đời ở Tây Nguyên và được Bộ NN – PTNT chọn là 1 trong 18 mô hình để phát triển sản phẩm cà phê OCOP của cả nước giai đoạn 2023 – 2025.
Huyện đang triển khai thí điểm mô hình “Phát triển sản phẩm OCOP cà phê chất cao, cà phê đặc sản gắn với vùng nguyên liệu theo hướng sinh thái bền vững”.
Đây được coi là cơ hội mới cho cà phê của tỉnh tiếp tục khẳng định giá trị, nâng tầm chất lượng để chinh phục nhiều hơn các thị trường tiêu dùng khó tính trên thế giới.
Bên cạnh những điểm nhấn thì cũng phải nhìn nhận rằng, việc sản xuất cà phê của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Trong đó, mấu chốt vấn đề được nhiều người đưa ra là nằm ở khâu chế biến phục vụ xuất khẩu.
99,9% sản lượng cà phê xuất khẩu của Đắk Nông vẫn ở dạng nhân xô, chưa qua chế biến sâu. Điều này cho thấy, tỉnh vẫn chưa tận dụng tốt các giá trị của ngành hành cà phê.
Đắk Nông hiện có trên 30 doanh nghiệp sơ chế, chế biến cà phê, với sản phẩm sau chế biến cao nhất là cà phê bột. Sản lượng cà phê bột sản xuất và tiêu thụ khoảng trên 400 tấn/năm, chỉ chiếm tỷ lệ 0,1% so với tổng sản lượng cà phê của tỉnh.
Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2024 của cà phê Đắk Nông đạt 65.337 tấn, giá trị trên 223 triệu USD, chiếm trên 30,6% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh.
Liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên cho biết: Đắk Nông tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành hàng cà phê gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp.
Tỉnh ưu tiên phát triển ngành hàng cà phê theo hướng hàng hóa, chất lượng cao, đặc sản, tạo ra sản lượng và giá trị lớn, giúp nâng cao thu nhập cho người dân.
Tỉnh tập trung nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm đặc sản, sản phẩm có lợi thế gắn với dịch vụ, du lịch nông thôn nhất là gắn với Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Nguồn: https://baodaknong.vn/ca-phe-dak-nong-the-manh-va-khat-vong-vuon-minh-235479.html