Niềm vui cuối năm của nhà nông
Thời gian này, từ thành phố Gia Nghĩa đến các huyện vùng sâu, vùng xa như Krông Nô, Đắk Glong, huyện biên giới như Tuy Đức, Đắk Mil, hoạt động thu hoạch cà phê diễn ra rất rộn ràng.
Những câu chuyện của nhà nông mùa này chủ yếu năng suất, lao động, giá cả, công việc thu hoạch cà phê… Trong đó, tâm lý vui mừng, phấn khởi bao trùm vì giá cà phê tăng cao mức kỷ lục trong vòng hàng chục năm qua.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đắk Nông, nhiều vùng cà phê được mùa, nhất là đối với những diện tích bảo đảm nước tưới. Năng suất cà phê bình quân tại các vùng được mùa ước tính của bà con nông dân đạt mức từ 3 tấn/ha trở lên.
Anh Nguyễn Văn Thông, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa cho biết, gia đình anh có gần 2ha cà phê. Những ngày này, anh đang tập trung thu hoạch cà phê vì đã chín đồng đều, với lượng quả chín đạt trên 85%.
Ngoài các thành viên gia đình, anh thuê thêm 6 lao động để thu hoạch cà phê nhanh gọn, bán đúng dịp giá lên mức cao trên 100 triệu đồng/tấn cà phê nhân.
“Cà phê được mùa, năng suất mức 3 tấn/ha lại giá cao nên năm nay tôi rất phấn khởi. Tôi đã dự tính sẽ dùng số lãi thu được từ cà phê để đầu tư trở lại cho vườn và một số việc khác”, anh Thông cho biết
Gia đình anh Đinh Văn Thiêm, thôn 1, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức có 3ha cà phê. Thời gian này, gia đình anh vô cùng bận rộn cho công việc thu hoạch cà phê.
Từ đầu mùa, vợ chồng anh đã lo sắm mới, sửa lại 5 cặp bạt; mua sắm bao mới để đựng cà phê. Hiện nay, anh Thiêm rất bận rộn với việc quản lý, hướng dẫn nhân công thu hái, chở cà phê từ rẫy về nhà.
Vợ anh Thiêm lo việc phơi, sấy, bảo quản để bảo đảm chất lượng hạt cà phê nhân. Hai vợ chồng anh phải ăn tranh thủ, ngủ tranh thủ để mùa vụ diễn ra thuận lợi, thu hái đúng kế hoạch.
Anh Thiêm cho rằng, nếu hái sớm, cà phê xanh nhiều thì ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Còn nếu thu hái muộn, cà phê sẽ rụng, chất lượng, hương vị cà phê không cao.
Năm nay dù khô hạn nhưng do có nguồn nước tưới ổn định nên vườn cà phê của gia đình anh Thiêm vẫn đạt năng suất khá cao, ước trên 3 tấn/ha.
“Với mức giá trên 100 triệu đồng/tấn như hiện nay thì nhà nông như tôi vô cùng phấn khởi. Bao nhiêu công sức, chi phí bỏ ra cả năm đến cuối năm được bù lại. Gia đình có thêm chi phí đầu tư trở lại vườn cây nhằm ổn định năng suất vụ sau”, anh Thiêm cho hay.
Theo bà Phan Thị Khương, Phó Trưởng Phòng NN – PTNT huyện Tuy Đức, trên địa bàn có hơn 20.000ha cà phê kinh doanh, chiếm 41,5% đất sản xuất nông nghiệp của huyện.
Năng suất cà phê bình quân năm 2024 của huyện đạt 2,9 tấn/ha, tổng sản lượng cà phê nhân khoảng hơn 56.000 tấn. Qua nắm bắt sơ bộ, người trồng cà phê trên địa bàn huyện năm nay được mùa, được giá.
“Khoảng 11.500 hộ trồng cà phê có niềm vui vì được mùa, được giá, đời sống kinh tế được nâng lên đáng kể. Điều này trực tiếp tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho bà con dịp cuối năm”, bà Khương vui mừng cho biết.
Đắk Mil là vùng trọng điểm cà phê của Đắk Nông. Nông dân nơi đây cũng đang khẩn trương thu hoạch cà phê với không khí tràn ngập niềm vui vì được mùa, được giá.
Đắk Mil có gần 21.000ha cà phê, chiếm hơn 62% tổng diện tích cây lâu năm trên địa bàn. Huyện có vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao Thuận An, với quy mô 335ha. Năng suất bình quân của cà phê Đắk Nông đạt khoảng 3 tấn/ha, tổng sản lượng khoảng 57.200 tấn.
Sản lượng khoảng 350.000 tấn
Do ảnh hưởng bởi khô hạn kéo dài hồi đầu năm 2024 nên ảnh hưởng đến năng suất cà phê tại một số vùng. Cụ thể như cà phê tại các huyện Cư Jút, Krông Nô, Đắk R’lấp năng suất có giảm nhẹ.
Theo sở NN – PTNT, Đắk Nông hiện có khoảng 143.000ha cà phê, trong đó diện tích cho thu hoạch hơn 131.000ha. Cà phê được phân bổ nhiều ở các địa bàn như Đắk Mil, Krông Nô, Tuy Đức, Đắk Song…
Qua tổng hợp từ các huyện, thành phố, dự kiến năng suất cà phê tỉnh năm 2024 giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước mà nguyên nhân là do hạn hán, thiếu nước tưới.
Năng suất cà phê bình quân chung toàn tỉnh ước đạt hơn 2,6 tấn/ha, tổng sản lượng khoảng 350.000 tấn. Năng suất có giảm, nhưng giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục khiến cho nông dân phấn khởi.
Riêng các diện tích cà phê vẫn bảo đảm nước tưới trong mùa khô, được sản xuất theo quy trình chất lượng và các tiêu chuẩn chứng nhận như VietGAP, GlobalGAP, RA, hữu cơ nhìn chung năng suất vẫn ở mức cao, hơn 3 tấn/ha.
Sản phẩm cà phê ở những vùng này bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ. Trong bối cảnh nhiều năm liên tục chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vật tư đầu vào tăng cao, giá cà phê liên tục ở mức cao đã bù đắp phần lớn công sức đầu tư của người dân.
Hiện nay, ngành chức năng, lực lượng liên quan đã và đang triển khai nhiều biện pháp bảo đảm an toàn, hiệu quả vụ thu hoạch cà phê của nông dân.
Các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân các giải pháp thu hoạch cà phê hiệu quả, nâng cao chất lượng bằng việc thu hái đúng cách, tỷ lệ quả chín cao, phơi sấy đúng kỹ thuật.
Ngành chức năng cũng tiến hành rà soát, tìm kiếm, hỗ trợ nguồn lao động để người dân thu hoạch cà phê. Nhiều hoạt động về xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm cà phê được ngành chức năng triển khai.
Nguồn: https://baodaknong.vn/ca-phe-dak-nong-ron-rang-vao-mua-thu-hoach-235478.html