Cân não giữa Covid-19
Sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19 đã trở thành nỗi đáng sợ, ám ảnh trên toàn thế giới và cả Việt Nam. Tháng 7/2020, Đắk Nông ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên. Đây cũng là giai đoạn hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của thế giới và trong nước đều ngưng trệ.
Giữa tâm bão Covid-19, HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà ở thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút (Đắk Nông) đã tổ chức cuộc họp để tìm hướng đi cho quả gấc.
HTX xác định, Covid-19 là giai đoạn đầy khó khăn, nhưng đây cũng chính là cơ hội để cho ra đời sản phẩm bún gấc thiên nhiên đạt chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Anh Trần Đình Lượng, Giám đốc HTX Nam Hà nhớ lại, những năm trước, HTX liên kết với nông dân trồng gấc, chủ yếu sản xuất màng gấc để xuất khẩu.
Trong thời điểm dịch Covid-19 màng gấc không thể tiêu thụ được. Vào tháng 7/2020, khi cả nước đang đối mặt với dịch, ông Trần Văn Định, Giám đốc HTX lúc bấy giờ, đã triệu tập hội đồng quản trị để tháo gỡ khó khăn.
Hội đồng quản trị HTX khi đó đưa ra hai phương án: sản xuất dầu gấc hoặc làm bún gấc khô. Quyết định cuối cùng được HTX đưa ra là sản xuất bún gấc.
Anh Lượng nói về lý do HTX chọn phương án này: “Chúng tôi quyết định chọn sản xuất bún gấc. Vì bún có thể chế biến được nhiều món ăn và có dư địa lớn. Tại Đắk Nông, chúng tôi đã liên kết với nông dân trồng khoảng 100ha gấc và có các cánh đồng lúa đặc sản như ST24, ST25, thuận lợi cho việc triển khai sản phẩm bún gấc”.
Tháng 8/2020, HTX Nam Hà đầu tư 70 triệu đồng để mua sắm máy móc và học hỏi kỹ thuật sản xuất bún gấc. Theo anh Lượng, mẻ bún đầu tiên gặp khó khăn vì các sợi bún đều gãy và không dai như bún thông thường.
Tuy nhiên, HTX không bỏ cuộc. Mọi người dồn tâm lực vào việc điều chỉnh kỹ thuật và cải tiến sản phẩm. Sau nhiều lần thử nghiệm, HTX đã tạo ra sản phẩm bún gấc với hương vị thiên nhiên từ gạo và gấc.
“Khi sản phẩm hoàn thiện, tất cả chúng tôi đều vỡ òa niềm vui!”, anh Lượng chia sẻ.
OCOP giúp thị trường rộng mở
Khi bún gấc ra đời, HTX Nam Hà bắt đầu hành trình tìm kiếm thị trường. Tuy nhiên, mọi việc không hoàn toàn suôn sẻ vì sản phẩm còn lạ lẫm, HTX cũng chưa thông thạo “đường đi, nước bước” trên thị trường.
Anh Trần Đình Lượng kể: “Chúng tôi gặp khó khăn khi đưa bún gấc ra thị trường, vì màu sắc của nó khiến người tiêu dùng nghi ngờ có phẩm màu. Chúng tôi giải thích rằng, màu sắc là đến từ gấc, nhưng sản phẩm vẫn quá mới lạ. Thêm vào đó, giá bún gấc cao gấp ba lần so với bún thông thường nên bị chê bai”.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, HTX tiếp tục nghiên cứu và quảng bá sản phẩm. HTX đã tiếp cận các cửa hàng thực phẩm sạch, quán ăn chay, siêu thị và tạp hóa để giới thiệu sản phẩm.
Dần dần, lượng tiêu thụ bún gấc tăng lên. Đặc biệt, khi sản phẩm bún gấc thiên nhiên của HTX được công nhận đạt OCOP 3 sao vào tháng 7/2021, lượng tiêu thụ tăng vọt.
Trước đó, HTX sản xuất vài tấn bún mỗi tháng, nhưng sau khi đạt OCOP, con số này đã lên tới 12 tấn/tháng. Mặc dù giá bán lẻ trên 100.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần giá bún bình thường, nhưng rất nhiều khách hàng vẫn lựa chọn.
Giai đoạn tiếp theo, bún gấc thiên nhiên của HTX Nam Hà đã trở thành lựa chọn phổ biến cho nhiều người ở Đắk Nông và các tỉnh, thành khác trên cả nước.
Hiện tại, HTX đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng dây chuyền máy móc, nhà máy chế biến và nhà kính phơi sấy nhằm tăng công suất chế biến bún gấc đáp ứng nhu cầu thị trường.
Mỗi tháng, HTX sản xuất 12 tấn bún gấc khô. Thị trường chính của sản phẩm này là TP. Hồ Chí Minh, chiếm 80% tổng sản lượng sản phẩm. Bún gấc hiện có mặt tại nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh.
Hướng tới xuất khẩu
Giám đốc HTX Trần Đình Lượng đánh giá, sản phẩm bún gấc thiên nhiên đang phát triển tốt tại thị trường trong nước. HTX không ngừng mở rộng thị trường và đang hướng đến xuất khẩu.
Bún khô đóng gói cồng kềnh dẫn đến phí vận chuyển cao, nên HTX đang nghiên cứu giải pháp cho vấn đề này. Khi có giải pháp, HTX sẽ xúc tiến để đưa bún gấc ra thị trường thế giới.
Nói về giá trị của OCOP, anh Lượng cho rằng, ngoài sự nỗ lực của chính HTX, trước hết là nhờ sự quan tâm và hỗ trợ tích cực từ chính quyền các cấp.
“Chúng tôi nhận thấy OCOP là một kênh hiệu quả để đưa sản phẩm ra thị trường xa hơn. Ban đầu, khách hàng chưa nhận thấy giá trị của OCOP, nhưng hiện nay sự quan tâm đã gia tăng. Chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm và phấn đấu đạt OCOP 4 sao để xuất khẩu”, anh Lượng cho biết.
HTX Nam Hà hiện có 9 thành viên và liên kết với gần 200 hộ nông dân trồng hơn 100ha gấc. Diện tích trồng gấc của HTX tập trung tại Đắk Nông và mở rộng sang Đắk Lắk, Gia Lai.
Với năng suất trung bình trên 20 tấn/ha, chi phí khoảng 40 triệu đồng, người trồng gấc thường thu lãi từ 120 – 150 triệu đồng/ha/năm. Trồng gấc đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo và phát triển kinh tế bền vững.
Từ năm 2018 đến nay, HTX Nam Hà đã xuất khẩu màng gấc sang Hàn Quốc và Đài Loan. Trong tương lai, HTX định hướng xuất khẩu thêm sản phẩm bún gấc.
Lãnh đạo Liên minh HTX Đắk Nông đánh giá, sản phẩm bún gấc thiên nhiên của HTX Nam Hà là minh chứng cho tinh thần sáng tạo và sự nỗ lực vượt khó trong phát triển kinh tế tập thể.
Còn đối với tập thể HTX Nam Hà, câu chuyện về sản phẩm bún gấc thiên nhiên là kỷ niệm đáng nhớ, đáng tự hào của mỗi thành viên…
Nguồn: https://baodaknong.vn/bun-gac-dak-nong-san-pham-ocop-truan-chuyen-tu-thoi-covid-19-228540.html