Đắk Nông đang gặp không ít khó khăn vì quy hoạch bô xít chồng lấn lên rất nhiều dự án xây dựng. Tỉnh rất cần tháo gỡ vấn đề này sớm để vừa có thể khai thác bô xít, vừa bảo đảm hài hòa trong phát triển kinh tế – xã hội.
Kỳ 1: Viễn cảnh tươi đẹp
Đắk Nông đã đạt được nhiều kết quả tích cực từ khai thác bô xít. Các dự án liên quan đến bô xít đang mở ra những viễn cảnh tươi đẹp đối với định hướng phát triển kinh tế của tỉnh.
Khẳng định vị thế bô xít!
Đắk Nông là địa phương có tiềm năng lớn về bô xít. Quặng bô xít ở Đắk Nông trải rộng trên hầu hết diện tích tự nhiên của tỉnh, tập trung chủ yếu ở 5 địa bàn: TP. Gia Nghĩa, Đắk Glong, Đắk R’lấp, Tuy Đức và Đắk Song.
Theo quy hoạch khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 866 ngày 18/7/2023 (Quy hoạch 866), Đắk Nông là địa phương đứng đầu cả nước về trữ lượng bô xít.
Toàn tỉnh Đắk Nông có 29 mỏ bô xít, với trữ lượng quặng đạt gần 1,8 tỷ tấn. Tài nguyên khoáng sản này của tỉnh được dự báo khoảng hơn 2,5 tỷ tấn; tổng trữ lượng quặng đạt gần 4,3 tỷ tấn.
Bô xít ở Đắk Nông được đánh giá có chất lượng cao hơn bô xít ở các địa phương khác. Hàm lượng bô xít nhôm đạt gần 40%.
Theo Quy hoạch 866, diện tích bô xít được quy hoạch thăm dò, khai thác của Đắk Nông là 179.597 ha. Quy hoạch bô xít chiếm 27% diện tích tự nhiên của Đắk Nông và diện tích rộng nhất cả nước.
Cách đây hơn 10 năm, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, tại Đắk Nông đã xây dựng Dự án Nhà máy alumin Nhân Cơ (Đắk R’lấp). Năm 2017, dự án chính thức đi vào vận hành thương mại.
Sản phẩm đầu ra của nhà máy được đánh giá có chất lượng tốt, đã xuất khẩu sang các thị trường Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Nhật Bản, Trung Quốc…
Sản lượng alumin quy đổi của Nhà máy alumin Nhân Cơ liên tục tăng qua các năm. Hiện nhà máy đã đạt công suất trên 700.000 tấn/năm, vượt công suất thiết kế (650.000 tấn/năm).
Theo Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV, Nhà máy alumin Nhân Cơ đã nộp ngân sách 1.413 tỉ đồng từ năm 2016 – 2022. Công ty ủng hộ cho địa phương 58 tỉ đồng và tạo công ăn việc làm cho 1.040 lao động (trong đó có 598 lao động địa phương).
Nằm liền kề Nhà máy alumin Nhân Cơ, Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông với công suất 450.000 tấn nhôm quy đổi/năm đã được triển khai. Tổng kinh phí đầu tư dự án là trên 15.000 tỷ đồng. Hiện dự án đang trong quá trình hoàn thiện hạ tầng.
Hai dự án trên là bước ngoặt quan trọng, đặt nền móng cho ngành công nghiệp khai khoáng ở Đắk Nông. Kế thừa thành quả của giai đoạn trước, tỉnh Đắk Nông đặt mục tiêu tới năm 2030 cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp bô xít – nhôm quốc gia.
Các “ông lớn” nhập cuộc
Phát triển công nghiệp alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo được Đắk Nông xem là 1 trong 3 trụ cột kinh tế. Những năm qua, Đắk Nông không ngừng kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Tỉnh luôn có khát vọng thu hút các doanh nghiệp tầm cỡ đến đầu tư vào trụ cột này nói riêng, các ngành kinh tế khác nói chung. Thực tế, từ đầu năm 2022 tới nay, đã có nhiều doanh nghiệp lớn đến Đắk Nông nghiên cứu, khảo sát đầu tư.
Riêng về khai thác bô xít, đã có nhiều “ông lớn” như: Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Việt Phương, Công ty Cổ phần Tập đoàn hóa chất Đức Giang… đến làm việc với tỉnh và đề xuất các dự án liên quan đến bô xít.
Cụ thể, Tập đoàn Hòa Phát đề xuất được khảo sát đầu tư Dự án alumin công suất 2 triệu tấn/năm. Tập đoàn Việt Phương đề xuất Dự án tổ hợp bô xít – alumin – nhôm Đắk Glong. Công ty Cổ phần Tập đoàn hóa chất Đức Giang đề xuất khảo sát Dự án Tổ hợp nhôm Đức Giang – Đắk Nông…
Cùng với dự án alumin, các doanh nghiệp trên đề xuất khảo sát đầu tư thêm các dự án điện gió, điện phân nhôm. Đây là những tổ hợp dự án lớn, có tổng kinh phí đầu tư hàng tỷ USD. Các dự án này đều có liên quan đến việc khai thác, chế biến sản phẩm sau khai thác của bô xít.
Theo Sở TN-MT Đắk Nông, việc khai thác bô xít không đơn thuần chỉ là chế biến ra alumin rồi xuất khẩu. Sản phẩm alumin sẽ là nguyên liệu để sản xuất nhôm bằng công nghệ điện phân.
Ở Đắk Nông, các chuyên gia đã đánh giá tiềm năng về năng lượng tái tạo, trong đó điện gió là rất lớn. Nếu xây dựng được tổ hợp khai thác, chế biến quặng ra sản phẩm alumin rồi tiếp tục sản xuất ra nhôm bằng năng lượng tái tạo sẽ nâng cao giá trị khoảng sản bô xít.
Hơn nữa, diện tích đất thu hồi để khai thác bô xít là rất lớn. Sau khi khai thác hết quặng, đây sẽ là quỹ đất “sạch” để kêu gọi, thu hút đầu tư, nhất là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Điều này giúp cho các nhà đầu tư khai thác được giá trị lớn từ đất ở Đắk Nông.
Trong Quy hoạch 866, đối với bô xít, Chính phủ đặt mục tiêu việc thăm dò, khai thác phải gắn với chế biến sâu (tối thiểu ra đến sản phẩm alumin). Các địa phương phải lựa chọn các chủ đầu tư thực hiện các dự án thăm dò, khai thác bô xít có đủ năng lực thực hiện đồng bộ từ khâu thăm dò đến chế biến sâu, sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường. Các dự án sản xuất nhôm phải sử dụng công nghệ điện phân…
(Còn nữa)