Theo quan niệm của người Gia Rai, thần bếp lửa (Yang tơpur) là vị thần hiện thân cho may mắn, phù hộ cho con người cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc. Do vậy, bếp lửa có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Gia Rai.
Theo phong tục, mỗi khi người Gia Rai làm xong nhà mới hoặc cho con ở riêng, việc đầu tiên là chủ nhà tổ chức giết heo hoặc gà với ché rượu để cúng thần bếp lửa trước khi các thành viên vào nhà ở, sinh hoạt, nấu nướng. Sau nghi lễ tổ chức cúng thần bếp lửa, già làng hoặc thầy cúng trao lửa lại cho chủ hộ gia đình là người phụ nữ lớn tuổi nhất như bà hoặc mẹ. Khi ngọn lửa thiêng đã được nhóm lên trong khuôn bếp thì gia đình của chủ bếp phải giữ cho được lửa trong bếp liên tục cháy suốt ngày đêm hôm đó, không được để bếp tắt. Sang ngày hôm sau, nếu không đun nấu thì phải ủ than dưới lớp tro, để khi cần thì thổi lên và như vậy lửa trong bếp sẽ được giữ liên tục và luôn có hơi ấm.
Trong ngôi nhà dài của người Gia Rai thông thường có hai cái bếp được đặt ở những vị trí khác nhau với những quy định, kiêng kỵ hết sức nghiêm ngặt. Cái bếp đầu tiên nhìn từ ngoài cửa vào được đặt ở bên phải nhà theo hướng phía đông (người Gia Rai gọi là “Phía trên”- Gah ngó). Bếp này, theo tên gọi của người Gia Rai là “Topur gah ôk”- được sử dụng để nấu ăn, phục vụ sinh hoạt hằng ngày của gia đình. Cái bếp thứ hai được đặt ở phía trong bên phải nhà, cũng chệch theo hướng phía đông, được gọi là “Topur gah mang”. Đây là bếp để chủ nhà tiếp khách hoặc nơi diễn ra các lễ cúng, sinh hoạt văn hóa. Khách đến chơi được chủ nhà trân trọng mời ngồi quanh bếp lửa tiếp chuyện. Bếp thứ nhất là rất quan trọng vì người Gia Rai quan niệm thần bếp, thần lửa trú ngụ ở bếp này. Do vậy nấu ăn phải sạch sẽ, không được gạt tời bếp làm động đến nơi trú ngụ của thần.
Bếp phục vụ sinh hoạt hằng ngày của người Gia Rai được khoanh theo hình chữ nhật hoặc hình vuông với chiều dài, chiều rộng tùy ý, trong lòng nện đất thật chặt làm lớp ngăn cách với mặt sàn để phòng lửa cháy xuống sàn, chính giữa đặt ba hòn đá (bây giờ người ta dùng kiềng) để đun nấu. Song song với khung bếp cách mặt trên sàn khoảng 80 cm là “gác bếp” (người Gia Rai gọi là Pra tơpur) làm bằng tre hoặc cây rừng dùng để bảo quản lương thực, thực phẩm và hạt giống như bắp, lúa, đậu tương, thịt, các vật dụng gia đình… Đối với người Gia Rai, bếp không đơn thuần là nơi để nấu nướng, để sưởi ấm, mà còn là không gian sinh hoạt của các thành viên trong gia đình. Buổi tối, sau những bữa cơm gia đình, mọi người thường ngồi lại quây quần bên bếp lửa này để sưởi ấm và trò chuyện, chia sẻ những buồn vui hoặc ngồi nghe người già kể chuyện về núi rừng, nương rẫy và buôn làng của dân tộc mình…
Có thể nói, bếp lửa của người Gia Rai luôn gần gũi, gắn bó không thể tách rời trong cuộc sống của họ. Đó chính là những nét văn hóa đặc thù gắn liền trong đời sống sinh hoạt của các cư dân sinh sống nơi núi rừng hoang dã. Cuộc sống hiện đại đã làm thay đổi nhiều thứ, một số gia đình đã biết dùng bếp gas, bếp điện để đun nấu nhưng những nét văn hóa độc đáo ấy có từ bao đời và đang được người dân tộc Gia Rai lưu giữ ■
Nguồn: https://baodaknong.vn/bep-lua-trong-doi-song-cua-nguoi-gia-rai-235404.html