Siết chặt kiểm tra, kiểm soát
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ 389/ĐP tỉnh Đắk Nông Trương Văn Nhương cho hay, việc kiểm tra, kiểm soát mặt hàng phân bón sẽ tiếp tục được các lực lượng chức năng siết chặt.
Theo chu kỳ chăm sóc cây trồng, vào đầu mùa khô, nhu cầu phân bón rất lớn. Khi đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh mới tập trung số lượng lớn hàng hóa để phục vụ bà con. Đấy cũng chính là thời điểm lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát trước khi sản phẩm được lưu hành, sử dụng.
Hàng năm, lực lượng chức năng luôn chủ động siết chặt công tác quản lý Nhà nước, tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón.
Theo quy định của pháp luật, khi sản phẩm phân bón được lưu thông trên thị trường, các lực lượng chức năng sẽ lấy mẫu theo xác suất ngẫu nhiên của từng lô hàng do từng nhà máy sản xuất để thử nghiệm.
Ông Nhương chia sẻ, trên cơ sở kinh nghiệm quản lý thị trường phân bón, các ngành chức năng sẽ đặc biệt lưu ý tới những sản phẩm có giá bán thấp, sản phẩm mới hoặc có dấu hiệu vi phạm trước đó để tiến hành kiểm tra.
Thông qua việc lấy mẫu, phân tích, những sản phẩm nào không đáp ứng đúng quy chuẩn của Việt Nam, tùy theo kết quả thử nghiệm sẽ có biện pháp xử lý nghiêm.
Hiện tại, BCĐ 389/ĐP tỉnh Đắk Nông đang tập trung đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh phân bón. Từ đó sẽ làm căn cứ để xây dựng kế hoạch đấu tranh có hiệu quả với việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng cho thời gian tới sát với thực tế.
Lực lượng chức năng sẽ chủ động bám sát địa bàn, nắm tình hình thị trường để có giải pháp tổ chức kiểm tra hiệu quả. Đặc biệt, khi xác định có dấu hiệu vi phạm thì sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất. Như vậy, hiệu quả sẽ cao hơn. Bởi khi kiểm tra đột xuất, đối tượng kinh doanh sẽ chưa kịp tẩu tán hàng hóa.
BCĐ 389/ĐP cũng khuyến cáo bà con luôn lưu ý để tránh rủi ro trong sử dụng phân bón. Đó là những sản phẩm nào cùng loại mà có giá thành rẻ hơn, bà con phải hết sức cảnh giác.
“Vì nguyên tắc thị trường, sản phẩm cùng loại nhưng giá thấp hơn thì rõ ràng có vấn đề về yếu tố về chất lượng, cạnh tranh không bình đẳng”, ông Nhương lưu ý.
Đầu tư phân tích mẫu tại chỗ
Công tác quản lý thị trường phân bón của các cấp, ngành, chính quyền địa phương hiện còn gặp nhiều khó khăn, nhất là công cụ phục vụ kiểm tra về đo lường, chất lượng.
Phó Giám đốc Sở KH-CN Đắk Nông Lưu Văn Đặng cho biết, ngành KH-CN có chức năng chính trong việc thực hiện đo lường sản phẩm phân bón. Tuy nhiên, hiện nay, bộ công cụ kiểm tra về đo lường phân bón của tỉnh lại đang bị hư hỏng, không thể sử dụng được. Do vậy, thời gian qua, nhiệm vụ này đang bị bỏ ngỏ.
Để khắc phục, ngành đã đề xuất với UBND tỉnh được đầu tư bộ chuẩn khối lượng kiểm tra về đo lường phân bón. Hy vọng, trong năm 2025, bộ công cụ này sẽ được trang bị.
Trong đó, bao gồm các cân đạt chuẩn, được kiểm định chuẩn từ các trung tâm của Bộ KH-CN. Khi có thiết bị phục vụ kiểm tra, đo lường, phát hiện sai số, đơn vị sẽ đề nghị đơn vị chức năng xử phạt theo quy định.
Sở cũng chỉ đạo Trung tâm Thông tin, Kỹ thuật và Ứng dụng khoa học công nghệ đề xuất với Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia được chỉ định làm chất lượng phân bón.
Bởi hiện nay, ở các tỉnh, thành khác trong cả nước đã được phép làm công việc này. Riêng Đắk Nông hiện nay chưa có trung tâm dịch vụ phân tích chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Sở KH-CN đang hoàn thiện hồ sơ thủ tục, xin chủ trương đầu tư trang thiết bị, công nghệ để làm tiêu chuẩn chất lượng phân bón trên địa bàn.
“Khi có thẩm quyền, trung tâm sẽ thực hiện phân tích mẫu. Những sản phẩm có chất lượng kém, không bảo đảm theo chất lượng công bố sẽ được ngành chức năng căn cứ vào đó để ra quyết định xử phạt”, ông Đặng cho biết.
Được biết, hiện nay, Trung tâm Thông tin, Kỹ thuật và Ứng dụng khoa học công nghệ đã làm được việc test nhanh chất lượng phân bón, để ngành chức năng có kết quả tham khảo bước đầu. Tuy nhiên, về mặt pháp lý thì chưa đủ căn cứ.
Mặt khác, nhu cầu về đo lường sản phẩm hàng hóa nói chung và đo lường về phân bón nói riêng của người dân trên địa bàn hiện rất nhiều.
Tuy nhiên, do chưa có trung tâm phân tích mẫu tại chỗ nên cá nhân, tổ chức phải xuống tận TP. Hồ Chí Minh hoặc lên Đắk Lắk để thực hiện công việc này. Như vậy, rất tốn kém về mặt thời gian và chi phí.
Trang bị kiến thức cho nông dân
Trong ngàn mối lo của nhà nông, phân bón giả, kém chất lượng luôn nhức nhối. Chọn sản phẩm kém chất lượng không chỉ thiệt hại về kinh tế, mà còn hậu họa cho đất, môi trường về sau. Thế nhưng, không phải bà con nào cũng nhận diện được để phòng tránh.
Vốn là kỹ sư nông nghiệp nên ông Hoàng Đình Nhâm, thôn 8, xã Đắk Ha (Đắk Glong) rất chú trọng tới các sản phẩm đầu vào cho sản xuất các loại cây trồng.
Hàng ngày, thông qua các kênh thông tin của Hội Nông dân, của hàng xóm láng giềng hoặc các hội nghề nghiệp, ông đã tự trang bị những kiến thức chăm sóc cây trồng hữu ích cho gia đình. Nhờ đó, loại phân bón nào, cách thức, thời điểm bón phân ra sao, ông đều thuộc nằm lòng.
“Qua các kênh thông tin, gia đình đã trang bị được nhiều kiến thức, cũng như cách phân biệt phân bón chất lượng với hàng giả, kém chất lượng. Cụ thể như thông qua thông tin, màu sắc, kích cỡ… của sản phẩm, chúng tôi có thể tự kiểm tra được chất lượng sản phẩm trước khi mua, tránh tiền mất tật mang”, ông Nhâm chia sẻ.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông Hồ Gấm cho hay, phân bón là sản phẩm đầu vào thiết yếu của sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, để giúp bà con có được những thông tin chính xác, nhanh nhất về sản phẩm, đơn vị thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng để tuyên truyền.
Qua các lớp tập huấn hoặc qua tự học, qua trao đổi giữa nông dân với nông dân, với cán bộ kỹ thuật, người dân đã có thể tự bảo vệ mình, tự nhìn nhận được các hành vi vi phạm và tố giác lên cơ quan chức năng.
Ngay ở cơ sở, các cán bộ của Hội Nông dân cũng nắm vững các kiến thức, kỹ năng phân biệt sản phẩm phân bón thật, giả, để vừa trực tiếp sản xuất, vừa đủ để tuyên truyền cho bà con.
Trong hệ thống của nông dân, trước khi làm việc với các công ty phân bón cũng đều phải yêu cầu cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý, thông tin cụ thể về sản phẩm. Thậm chí phải cử đoàn đi tới nhà máy sản xuất xem thực hư sản xuất ra sao, rồi sau đó mới phối hợp.
Theo ông Gấm, để có đầy đủ căn cứ, trước tiên, người dân phải thực hiện ghi chép việc mua sản phẩm phân bón ở đâu, khi nào, quá trình bón ra sao… Lịch sử ghi chép sẽ giúp bà con theo dõi được nguyên nhân khi có sự cố không mong muốn đối với cây trồng.
Mặc dù không có chỉ số phân tích, nhưng khi gặp phải sản phẩm bất thường, người dân phải có sự nghi ngờ. Nhiều người nghi ngờ, tổng hợp thông tin báo cáo với đơn vị có thẩm quyền để theo dõi, kiểm tra. Qua đó, vừa tự bảo vệ mình, vừa thêm “tai mắt” cho ngành chức năng.
Hội có rất nhiều kênh thông tin để tiếp nhận, đáp ứng nhu cầu của người dân. Thông qua các nhóm, hội, có sự tham gia của nông dân, doanh nghiệp sản xuất phân bón, họ có thể tự theo dõi, giám sát lẫn nhau và thông tin nhanh khi có dấu hiệu bất thường.
“Hội cũng công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh về chất lượng sản phẩm phân bón từ người dân, từ cơ sở. Đơn vị sẽ bảo mật thông tin, danh tính cho người cung cấp và phối hợp theo dõi, xử lý”, ông Gấm thông tin.
Liên kết với doanh nghiệp uy tín
Những năm gần đây, thị trường phân bón được quản lý chặt chẽ hơn. Tình trạng sản xuất phân bón giả, kém chất lượng giảm nhiều. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn còn các đối tượng hám lợi, bất chấp các quy định của pháp luật để trục lợi bất chính.
Để giúp bà con biết được sản phẩm phân bón tin cậy, bảo đảm chất lượng, cũng như sản phẩm nào cần phải đề phòng, cảnh giác, hàng năm, ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp với các thương hiệu lớn, doanh nghiệp phân bón uy tín tổ chức buổi tọa đàm, giới thiệu, quảng bá sản phẩm thương hiệu của mình.
Trong đó, Hội Nông dân thường liên kết với các công ty phân bón lớn, uy tín để đưa thẳng sản phẩm đến với người nông dân. Hội Nông dân ở cơ sở sẽ giám sát, theo dõi thường xuyên nên rất khó để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng len lỏi vào địa bàn.
Ông Gấm cho biết, trong các chương trình phối hợp giới thiệu về sản phẩm, đơn vị cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất phân bón phổ biến thêm các kiến thức về mua vật tư nông nghiệp và chăm sóc cây trồng cho bà con.
Cụ thể như, những cây trồng nào cần loại phân bón gì, thời điểm nào ưu tiên bón phân cho hợp lý… Qua đó để nông dân hiểu và vận dụng cho đúng. Cũng tránh được tình trạng doanh nghiệp chỉ làm chương trình để ưu tiên quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm.
Song hành với đó, ngành chức năng cũng lồng ghép giữa kiểm tra với công tác tuyên truyền. Qua đó, giúp cho người kinh doanh biết được các quy định của pháp luật để chấp hành đúng. Đồng nghĩa với đó là việc cung cấp sản phẩm phân bón tốt cho người dân.
Người dân cũng biết được các quy định của pháp luật để chủ động kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ quan chức năng. Từ đó, kịp thời ngăn chặn các trường hợp sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng ra thị trường.
Theo BCĐ 389/ĐP tỉnh Đắk Nông, hiện nay, phần lớn các sản phẩm phân bón trên địa bàn được cung cấp từ các đơn vị sản xuất nước ngoài. Trong đó nổi bật là các thương hiệu sản phẩm có xuất xứ từ các nước như: Nga, Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Canada…
Ngoài ra, còn xuất hiện nhiều sản phẩm phân bón của các đơn vị nổi tiếng, uy tín, sản xuất lâu năm trong nước như: Đầu trâu, đạm Phú Mỹ, Đất Xanh…
Hy vọng, với sự chung tay của các ngành chức năng, người dân, doanh nghiệp, chất lượng phân bón sẽ được bảo đảm, tránh “thiệt đơn, thiệt kép” cho bà con sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT Đắk Nông, trung bình mỗi năm, người dân toàn tỉnh sử dụng khoảng 2,6 triệu tấn phân bón các loại. trên địa bàn tỉnh hiện có 449 cơ sở kinh doanh phân bón.
Nguồn: https://baodaknong.vn/bao-dam-chat-luong-phan-bon-cho-nong-dan-the-nao-233742.html