Hành trình gian nan đến với dược liệu
Bà Nguyễn Thị Băng, Chủ tịch HĐQT HTX Dược liệu An Phúc Khang, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, đã dành trọn tâm huyết để nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm từ cây thuốc nam.
Hành trình của bà Băng bắt đầu vào năm 2016, khi những cây tiêu mà người dân địa phương tâm huyết trồng bỗng dưng bị nhiễm bệnh, dẫn đến mất mùa đồng loạt, gây thiệt hại cho nông dân.
Trong hoàn cảnh đó, cùng với những người bạn chung chí hướng đam mê thảo dược, bà Băng đã quyết định thành lập HTX, với mục tiêu chuyển đổi mô hình trồng cây công nghiệp sang các loại dược liệu hỗ trợ sức khỏe.
“Bắt đầu mọi thứ thật khó khăn. Chúng tôi tự mày mò, nghiên cứu các bài thuốc, tham khảo tài liệu từ nhiều nguồn, lần tìm kinh nghiệm sản xuất ở nhiều nơi”, bà Băng nhớ lại.
Không dễ dàng khi nhiều người không sẵn lòng chia sẻ bí quyết, nhưng với niềm đam mê và truyền thống làm nghề thuốc Đông y của gia đình, bà Băng đã từng bước thu thập được những kiến thức quý giá.
HTX ra đời không chỉ đơn thuần là một nơi sản xuất. Nơi đây đã trở thành cầu nối giữa nông dân và thị trường. HTX hiện đang là đơn vị duy nhất tại Đắk Nông thực hiện mô hình này, mang đến nhiều loại dược liệu quý được chăm sóc, thu hái và chế biến theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt.
“Đắk Nông có rất nhiều loài cây dược liệu tự nhiên. Nếu biết cách chăm sóc, chúng ta sẽ có nguồn nguyên liệu phong phú”, bà Băng nói với niềm tự hào.
HTX hiện có 24 thành viên, liên kết với nhiều công ty, HTX trong cả nước để sản xuất các loại dược liệu như: sâm đại hành, sâm bố chính và nghệ bọ cạp… Bà Băng cũng cho biết, khoảng 80% sản phẩm của HTX đều hoàn toàn từ tự nhiên, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
HTX Dược liệu An Phúc Khang đang sở hữu 22 loại cao, 7 loại tinh dầu, 5 loại trà, 7 loại thuốc viên. Doanh thu bình quân mỗi tháng của HTX đạt gần 1 tỷ đồng. Sắp tới, HTX sẽ cung cấp nguyên liệu cho một doanh nghiệp lớn ở TP. Hồ Chí Minh, với sản lượng gần 10 tấn dược liệu.
Khơi nguồn tiềm năng cho địa phương
Trong những câu chuyện phát triển các sản phẩm dược liệu, bà Băng vẫn còn nhớ những đêm thức trắng để tìm hiểu công nghệ chế biến, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Bà Băng chia sẻ, ban đầu, cây an xoa và cao gắm được HTX thu mua về sơ chế phần lá, thân để bán ra cho người dân về đun nấu, với chức năng chuyên điều trị về gan, gút và xương khớp. Sau một thời gian, thấy cây thuốc có tác dụng, HTX đã nghiên cứu nấu ra thành cao.
“Để nấu được một mẻ cao là cả một quá trình. Cứ 100kg nguyên liệu tươi chưng nấu trong suốt 50 tiếng đồng mới ra được 3kg cao”, bà Băng thông tin.
Cũng suốt ngần ấy năm nghiên cứu, HTX chỉ mang sản phẩm đi biếu tặng cho các bệnh nhân trải nghiệm và dùng miễn phí. Thấy tín hiệu tốt, HTX mới xây dựng thành sản phẩm OCOP.
Gần 8 năm trôi qua, bà Băng và HTX đầu tư gần 3 tỷ đồng vào máy móc hiện đại để chế biến dược liệu. HTX xây dựng nhà xưởng, mua máy sấy, máy tách tinh dầu, máy nghiền bột, máy nấu cao…
Những thiết bị hiện đại không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn giúp HTX xây dựng thương hiệu, uy tín trên thị trường.
“Chúng tôi muốn tạo dựng thương hiệu dược liệu mạnh cho địa phương và khẳng định giá trị sản phẩm của bà con trong vùng”, bà Băng nhấn mạnh.
Đến năm 2023, trà cao an xoa và trà cao gắm của HTX Dược liệu An Phúc Khang đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. HTX đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký OCOP cho 3 sản phẩm dược liệu mới: nghệ bò cạp, tinh dầu nghệ và nấm linh chi.
Thời gian qua, UBND huyện Đắk Glong tạo điều kiện cho HTX tham gia nhiều hội nghị và chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm. Đồng thời, huyện khuyến khích HTX mở rộng kênh bán hàng online, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm.
Bí thư Đảng ủy xã Đắk Ha Nguyễn Thị Quế cho biết: “Phát triển sản phẩm dược liệu từ nguyên liệu tại chỗ đang được địa phương tích cực khuyến khích. Thành công này không chỉ giúp nâng cao giá trị kinh tế cho cây trồng, mà còn tạo thêm một sản phẩm đặc trưng mới, đóng góp cho sự phát triển kinh tế trên địa bàn”.
Đắk Glong hiện có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển dược liệu quý dưới tán rừng. Dự án Vùng trồng dược liệu quý huyện Đắk Glong – thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030 đang được triển khai.
Giai đoạn I (2021-2025) của dự án, huyện Đắk Glong liên kết với nhiều đơn vị để phát triển dược liệu tại địa phương. Huyện triển khai Dự án Vùng trồng dược liệu quý Đắk Glong.
Trong đó, huyện liên kết với Viện Nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam, Viện Nghiên cứu phát triển sâm Ngọc Linh Việt Nam; 5 công ty chuyên về phân phối xuất nhập khẩu sản phẩm dược phẩm và dược liệu; các công ty có tiềm năng về vốn, đất đai và lao động khác; 5 HTX trên địa bàn; 2 ban quản lý rừng cộng đồng… để trồng, sản xuất dược liệu. Chủ trì liên kết là Công ty Cổ phần Dược liệu Đắk Glong.
Với sự hợp tác của nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp, sự đa dạng trong chuỗi liên kết, Dự án Vùng trồng dược liệu quý Đắk Glong sẽ có rất nhiều cơ hội phát triển. Từ đây sẽ tạo được hiệu quả năng suất và tạo giá trị kinh tế cao.
Từ câu chuyện về trà cao gắm và trà cao an xoa cho thấy, đó không chỉ là sản phẩm, mà là một hành trình dài. Hành trình từ những khó khăn, thách thức, đến những giấc mơ thành hiện thực.
Bà Băng và HTX Dược liệu An Phúc Khang đang góp phần mở ra những cơ hội, những giá trị cho cộng đồng và cho cả ngành dược liệu Đắk Nông.
Nguồn: https://baodaknong.vn/ba-nguyen-thi-bang-khoi-nguon-tiem-nang-duoc-lieu-o-dak-glong-230502.html