Hơn 2/3 chặng đường, mới đạt gần 38,5% kế hoạch
Trong năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công tỉnh Đắk Nông là 3.980,8 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn được giao năm 2023 là 3.590,1 tỷ đồng và 390,7 tỷ đồng vốn kéo dài năm 2022. Tính đến ngày 25/10/2023, số vốn đã giao chi tiết là 3.387,5 tỷ đồng, đạt 94,4% kế hoạch vốn giao năm 2023.
Nhìn chung, với việc chủ động triển khai kế hoạch vốn đầu tư công, nguồn vốn phân bổ về các chương trình, dự án đã được Đắk Nông triển khai kịp thời, bảo đảm sự chủ động cho chủ đầu tư triển khai. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, khối lượng triển khai các chương trình, dự án đến hết tháng 10 vẫn khá thấp, dẫn đến tiến độ giải ngân nguồn vốn chậm so với kế hoạch.
Cụ thể, đến 25/10, toàn tỉnh đã giải ngân được 1.531,6 tỷ đồng/3.980,8 tỷ đồng, đạt 38,5% nguồn vốn được giao và đạt 48,8% so với nguồn vốn được phân bổ. Trong đó, đối với kế hoạch vốn đầu tư công giao năm 2023, đã giải ngân được 1.304,4/3.590,1 tỷ đồng, đạt 36,3% so với kế hoạch vốn được giao, đạt 38,5% so với kế hoạch vốn được phân bổ. Đối với kế hoạch vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 đã giải ngân được 227,2 tỷ đồng/390,7 tỷ đồng, đạt 58,2%.
Như vậy, so với thời điểm 2 tháng trước (25/8/2023), tiến độ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh chỉ tăng khoảng 7,86% so với tổng vốn được giao năm 2023 (thời điểm 25/8, toàn tỉnh giải ngân được 1.040 tỷ đồng, đạt 28,44% so với kế hoạch vốn được giao năm 2023).
Đồng nghĩa với việc, đến cuối tháng 10/2023, hơn 2/3 chặng đường của năm ngân sách, ngoài nguồn vốn kéo dài từ năm 2022 với tiến độ giải ngân đạt trên 50%, các nguồn vốn đầu tư giao năm 2023 đều có mức giải ngân dưới 50%. Trong đó, số nguồn có tiến độ giải ngân rất thấp như: Nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2022 mới giải ngân được 0,6%; Nguồn hỗ trợ đối với danh mục nhiệm vụ thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đạt 16,6%; Nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia đạt 13,7% và Vốn nước ngoài (ODA) mới đạt 8,4%.
Giải ngân một số nguồn tính đến thời điểm 25/10/2023: ngân sách địa phương 611,6 tỷ đồng/1.475,5 tỷ đồng đạt 41,44%; ngân sách Trung ương hỗ trợ 682,3 tỷ đồng/1.988,9 tỷ đồng đạt 34,3%; nguồn hỗ trợ đối với danh mục nhiệm vụ thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội 50,7 tỷ đồng/254,9 tỷ đồng đạt 16,6%; nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia 74,6 tỷ đồng/546,3 tỷ đồng đạt 13,7%; vốn nước ngoài (ODA): 10,6 tỷ đồng/125,7 tỷ đồng đạt 8,4%…
Chồng chất khó khăn
Năm 2023, mặc dù bước sang năm thứ 3 của giai đoạn đầu tư công trung hạn 2021-2025, song nhiều chương trình, dự án mới bước vào giai đoạn xuất phát sau khi hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định. Chưa kể, khó khăn lâu nay thường gặp trong giải ngân vốn đầu tư là “mất đà” ngay từ những bước xuất phát ở những tháng đầu năm ngân sách.
Lường trước những vấn đề đó, trong năm 2023, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra giải pháp thực hiện. Nhiều cuộc họp, UBND tỉnh không ngần ngại chỉ ra những yếu kém, quyết tâm chỉ đạo các đơn vị cùng tháo gỡ khó khăn, đưa ra những giải pháp khả thi nhất để thực hiện.
Điều này đã được thể hiện ở những dự án đang có tiến độ giải ngân rất tốt và dự báo khả năng về đích sớm trong mục tiêu giải ngân vốn đầu tư. Một số đơn vị, địa phương đang cho thấy năng lực hấp thụ nguồn vốn đầu tư mạnh bằng sự bứt tốc về tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công ở những tháng cuối năm. Sự quyết tâm của tỉnh còn thể hiện ở chỗ kiên quyết điều chuyển nguồn vốn đầu tư từ những dự án trì trệ, kém tiến độ sang các dự án có khả năng hấp thụ vốn tốt trong điều kiện quy định cho phép. Đây cũng là năm, số vốn điều chuyển lớn so với các năm trước (hơn 300 tỷ đồng).
Tuy nhiên, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan đã được mổ xẻ, từng bước khắc phục, UBND tỉnh đánh giá, trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 vẫn còn chồng chất những khó khăn khách quan trên lộ trình về đích.
Chưa năm nào, những khó khăn về giải ngân vốn đầu tư công của Đắk Nông lại “nóng” tại các nghị trường Trung ương ở các kỳ họp Quốc hội, cuộc làm việc với các bộ, ngành như năm 2023. Rất nhiều cơ chế, chính sách cần phải điều chỉnh để gỡ vướng cho đầu tư công tại Đắk Nông mà bản thân nội tỉnh không thể giải quyết nếu không có sự vào cuộc từ phía các bộ, ngành, thậm chí cả dự luật từ nghị trường Quốc hội.
Đánh giá về nguyên nhân tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, theo UBND tỉnh, trước hết là do tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội dù đã được chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra. Đây là các chương trình, dự án có nguồn vốn tương đối lớn nhưng đang vướng mắc về mặt bằng, công tác đền bù giải tỏa; năng lực của các đơn vị tư vấn, tổ chức thi công của nhà thầu, công tác quản lý của các ban quản lý còn nhiều bất cập.
Phân tích cụ thể cho thấy, toàn tỉnh hiện có khoảng 10 dự án đang có tiến độ giải ngân thấp do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Hàng loạt dự án, tiểu dự án chưa thể triển khai, dù đã được phân bổ vốn vì phát sinh vướng mắc về quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản. Một số dự án trọng điểm đang thiếu nguồn đất đắp, hiện nay chưa có nguồn đất dôi dư để làm thủ tục cấp phép theo quy định của Luật Khoáng sản… Những vướng mắc này, mặc dù đã được các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ, xem xét giải quyết, tuy nhiên vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng, gây khó khăn cho việc hoàn thành nhiệm vụ đầu tư công năm 2023.
Khó nhưng không bàn lùi
Dự báo mục tiêu về đích với tỷ lệ giải ngân 95% vốn đầu tư công năm 2023 sẽ gặp nhiều khó khăn và áp lực như đã nêu. Trong một cuộc họp về nội dung này, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười chỉ đạo: mặc dù khó nhưng chúng ta không bàn lùi. Nói cách khác, không còn thời gian để kêu khó, mà phải tận dụng triệt để thời gian còn lại của năm cho các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn tối đa trong điều kiện quy định cho phép.
Với quyết tâm đó, cùng với chu kỳ giải ngân vốn đầu tư công thường tập trung vào các tháng cuối năm; nhiều dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 đã xong về thủ tục, quy trình, bắt đầu triển khai sẽ tạo thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư công những tháng còn lại trong năm 2023.
Dư địa cho giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm là rất lớn. Tuy nhiên, với thời gian còn lại của năm ngân sách không còn nhiều nên việc linh hoạt, quyết tâm, quyết liệt của chủ đầu tư, các đơn vị thi công về đẩy nhanh khối lượng là cần thiết nhằm hấp thụ tốt nhất nguồn vốn đầu tư, góp phần thúc đẩy tổng cầu và lan tỏa tới các khu vực kinh tế khác, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm áp lực đầu tư công cho năm 2024.