Ngài Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM đã phát biểu như vậy trong Hội nghị hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa Lâm Đồng và Ấn Độ diễn ra ở Đà Lạt.
Hội nghịdo UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM tổ chức, với sự tham dự của ngài Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM, lãnh đạo 5 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và 40 doanh nghiệp (DN) đến từ Ấn Độ, 70 DN ở các tỉnh Tây nguyên.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM cho biết, đây là lần đầu tiên hơn 40 DN đến từ 8 bang của Ấn Độ với các lĩnh vực từ nông nghiệp, dược phẩm, máy móc nông nghiệp, công nghệ thông tin, du lịch và giáo dục đến TP.Đà Lạt.
“Tôi ở đây hơn 3 năm. Tôi đã tới hơn 30 tỉnh thành của Việt Nam nhiều lần. Những gì tôi thấy là cơ hội ở khắp mọi nơi trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và giáo dục, công nghệ thông tin, du lịch và chăm sóc sức khỏe”, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM chia sẻ và cho biết thêm, mặc dù hai nước có kim ngạch thương mại song phương lên 15,1 tỉ USD, nhưng đang ở dưới tiềm năng vốn có.
Hiện có 50 chuyến bay trong một tuần kết nối Hà Nội và TP.HCM với thủ đô Delhi, TP.Mumbai, Kolkata, Ahmedabad và Kochi, đang chứng kiến một bước nhảy vọt không chỉ trong quan hệ thương mại mà còn trong du lịch, giao lưu văn hóa và giao lưu nhân dân.
Ngài Madan Mohan Sethi cũng thông tin, Ấn Độ cung cấp một thị trường khổng lồ có thể so sánh với Trung Quốc cho Việt Nam đối với nhiều sản phẩm. Ấn Độ có một tầng lớp trung lưu lớn, chiếm khoảng 30% dân số. Ấn Độ có hơn 46 TP với dân số mỗi TP hơn 1 triệu người; hiện là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới và có thế mạnh to lớn trong các lĩnh vực ô tô, dược phẩm, công nghệ sinh học, nông nghiệp, dệt may, hóa chất, ngân hàng, tài chính, kỹ thuật và công nghệ thông tin.
Ngài Madan Mohan Sethi nhấn mạnh với những doanh nhân Ấn Độ, rằng Lâm Đồng là một tỉnh lớn, có thế mạnh về nông sản và du lịch. Tỉnh có các ngành công nghiệp chủ lực: chế biến nông, lâm, thủy sản, phân bón, sản xuất điện và Alumin. Tỉnh cũng là một điểm đến du lịch hấp dẫn và đã đón 7 triệu lượt khách du lịch vào năm 2022, trong đó du khách quốc tế là 150.000 lượt.
“Tôi mong muốn mời các DN của cả hai bên trao đổi với nhau và tìm hiểu các mối quan tâm về kinh doanh và hợp tác. Tôi cũng mời các công ty nông sản của tỉnh Lâm Đồng sang Ấn Độ tìm hiểu đầu tư và kinh doanh với các đối tác Ấn Độ. Với sự thay đổi về địa chính trị và nhu cầu tiêu dùng từ châu Âu giảm, DN hai bên cần đẩy mạnh liên kết. Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ vẫn sẽ tiếp tục hợp tác để tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch và giao lưu văn hóa trong thời gian sắp tới”, ngài Madan Mohan Sethi cho biết.
Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho hay, về hợp tác thương mại, nhiều sản phẩm hàng hóa chủ lực của Lâm Đồng đã được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ với các sản phẩm chính như: cà phê nhân với giá trị xuất khẩu 2,57 triệu USD; tơ tằm thô, tơ xe, vải lụa với giá trị xuất khẩu 38,2 triệu USD; oxit nhôm với giá trị xuất khẩu 32,2 triệu USD; dự kiến, các số liệu này sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2023.
“Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận như vậy, tuy nhiên, việc hợp tác giữa Lâm Đồng với Ấn Độ chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có. Lâm Đồng là một vùng đất giàu tiềm năng, đặc biệt có rất nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư, những doanh nhân Ấn Độ đến tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư và giao thương. Tỉnh mong rằng sẽ trở thành địa phương cung cấp các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến an toàn, chất lượng cho các kênh phân phối ở Ấn Độ”, ông S phát biểu.
Qua hội nghị, 45 DN của Ấn Độ và các tỉnh Tây nguyên đã ký kết biên bản ghi nhớ/hợp đồng nguyên tắc về hợp tác thương mại cung cấp các sản phẩm nông sản, du lịch, giáo dục, y tế, dược phẩm… giữa 2 bên.