Lao động 4.0
Thay vì thao tác thủ công, nhiều quy trình sản xuất tại Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV đã được tối ưu hóa giúp cải thiện năng suất làm việc cho người lao động.
Nếu như trước đây, nhân lực trực cho mỗi ca sản xuất của Phòng Điều hành sản xuất phải cần tới 4 người thì nay đã giảm đi một nửa. Tại đây, mỗi ca trực chỉ cần bố trí 2 người, bao gồm: 1 trưởng ca điều hành sản xuất và 1 nhân viên.
Hai người này sẽ thay mặt cho trưởng phòng và giám đốc phụ trách công tác sản xuất điều chỉnh tất cả các thông số vận hành trong nhà máy. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có 1 người làm việc tại phòng, còn 1 người sẽ đi kiểm tra công việc tại hiện trường.
Đến nay, toàn bộ thiết bị của Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã được kết nối với hệ thống điều khiển, giám sát và tập trung về Phòng Điều hành sản xuất. Hệ thống liên tục được cải tạo, hoàn thiện hơn, giúp kiểm soát tốt hoạt động tại 11 phân xưởng của nhà máy.
Trưởng Phòng Điều hành sản xuất Nguyễn Văn Nhường cho hay, từ khi ứng dụng công nghệ số, lực lượng công nhân trực ca có thể trực tiếp can thiệp vào công tác sản xuất ở tất cả các khâu trong một vài thao tác.
Từ đó, công nhân có thể đưa ra mệnh lệnh sản xuất nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất đến tận vị trí điều hành của mỗi phân xưởng, mà không phải lòng vòng qua nhiều khâu quản lý.
“Màn hình camera tại đơn vị sẽ ghi lại hết tất cả công việc trong nhà máy. Nếu xảy ra sự cố, thông qua hệ thống này, công ty có thể trích xuất lại và phân tích, đánh giá nguyên nhân. Tiếp đó sẽ đưa ra ngay cách khắc phục”, ông Nhường thông tin.
Với đặc thù người lao động làm việc rải rác ở nhiều khu vực của nhà máy, từ năm 2019, Phân xưởng Trạm mạng cũng sớm đưa vào ứng dụng phần mềm giao nhận ca.
Công nhân có thể ở ngay vị trí làm việc hiện tại, nhưng vẫn nắm chắc nội dung công việc hàng ngày, tiết kiệm được thời gian đi lại trong phân xưởng. Nội dung truyền đạt đến các phòng trực luôn chính xác, nhanh chóng, bảo đảm hiệu quả công việc.
Cùng với đó, phần mềm xuất nhập dữ liệu cũng được phân xưởng áp dụng bài bản. Thời gian cho công việc này của người lao động giảm 2/3 so với trước đây, tức là chỉ còn mất khoảng 3-4 phút. Số liệu được chốt nhanh chóng. Nhập dữ liệu xong là sẽ ra ngay con số cần dùng.
Công tác quản lý các cơ sở dữ liệu của phân xưởng được khoa học hơn. Qua đó giúp giảm bớt văn bản giấy tờ truyền thống, giảm thời gian ký sổ sách liên quan tới giao nhận ca, các hồ sơ nghiệm thu, biên bản hiện trường…
Công ty Nhôm Đắk Nông đang đặt ra mục tiêu sẽ hoàn thiện quy hoạch tổng thể hệ sinh thái chuyển đổi số (CĐS) tại nhà máy. Đồng thời, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, ứng dụng các phần mềm thiết yếu đem lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Giai đoạn 2024 – 2025, Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV bắt đầu hình thành doanh nghiệp số, với điểm trung bình mức độ CĐS là 3.0. Giai đoạn 2026-2030 sẽ hướng công ty trở thành nhà máy số, nhà máy thông minh. Điểm trung bình mức độ CĐS cho giai đoạn này tiệm cận 4.0.
Làm mới những người cũ
Công ty Nhôm Đắk Nông xác định, CĐS trước tiên là chuyển đổi về nhận thức của từng người lao động trong toàn đơn vị.
Thời gian qua, doanh nghiệp đã chủ động xây dựng chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về CĐS, phát triển doanh nghiệp số cho toàn thể cán bộ, người lao động. Từ đó, từng bước chuyển đổi tư duy, chuyển đổi cách làm, tận dụng sức mạnh của công nghệ, gia tăng hiệu quả hoạt động.
Nhiều phần mềm hiện được công ty ứng dụng sâu rộng, mang lại hiệu quả cao cho quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong đó, hệ thống lò hơi, lò sinh khí, lò nung, máy rải, máy đỡ của nhà máy hiện đã tự động hóa vận hành.
Các công đoạn hòa tách, kết tinh, cô đặc và hiệu chỉnh dung dịch… đang tận dụng nguồn lực hiện có để thiết lập, lập trình điều khiển tự động.
Công ty đã đầu tư các hệ thống quan trắc tự động khí, nước. Đồng thời, ứng dụng phần mềm quản lý số liệu quan trắc môi trường tự động để kết nối đến các cơ quan chức năng liên quan…
Thời gian tới, công ty sẽ ứng dụng AI/ML vào quản lý điều hành sản xuất để phân tích dữ liệu. Ứng dụng này sẽ hỗ trợ công nhân đưa ra các thông số vận hành tối ưu, dự đoán, tìm nguyên nhân một số bất thường sự cố khi vận hành. Đồng thời, công nhân có thể chẩn đoán tình trạng hoạt động, để phân tích, đánh giá và đưa ra kế hoạch bảo dưỡng phù hợp.
Ông Phan Văn Thụy, Trưởng Phòng Cơ điện vận tải, Thường trực Ban CĐS Công ty Nhôm Đắk Nông cho hay, thời gian tới, doanh nghiệp tiếp tục kiện toàn tổ chức, đội ngũ và chính sách phục vụ công tác CĐS.
Trước tiên công ty thành lập đội ngũ chuyên trách về công nghệ thông tin, an toàn thông tin. Tiếp đó sẽ tổ chức đào tạo về công tác CĐS.
Để đáp ứng lộ trình CĐS đang diễn ra mạnh mẽ, công ty hiện đang làm mới những người cũ. Trong đó, công nhân phải được đào tạo lại về nhận thức, thao tác trên máy tính để nắm bắt, thực hành những công nghệ mới.
Đối với cán bộ sẽ được đào tạo ở trình độ ở cấp cao hơn, nắm bắt những công nghệ cao hơn, một người đào tạo cho nhiều người để phục vụ CĐS và hoạt động của công ty…
Nguồn: https://baodaknong.vn/alumin-nhan-co-huong-toi-nha-may-so-237238.html