Những cơ duyên
Khởi nghiệp từ năm 25 tuổi, đến nay, chị Lầu Kiều Vân đã có trong tay hơn 7 năm kinh nghiệm về chế biến nông sản xuất khẩu. Chị có một lượng đơn hàng khổng lồ từ thị trường các nước. Sản phẩm đầu tiên cho quá trình chinh phục thị trường thế giới của chị Vân chính là chanh dây. Bắt đầu từ năm 2016, Công ty của chị đã bắt tay vào làm chanh dây xuất khẩu.
Nhờ được tham gia giao lưu quốc tế nhiều, nên chị Vân được bạn bè giới thiệu cho các đối tác của Trung Quốc liên kết sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này. Trong đó, nhà xưởng do Công ty xây dựng, nhưng quy trình sản xuất, máy móc là do bên bạn hàng đưa về.
“Lúc đầu thực sự bản thân không biết gì về chanh dây, không rõ các tiêu chuẩn cụ thể để chế biến. May mắn lúc đấy ở địa phương có nhiều kho đã làm chanh múc. Công nhân của Công ty là những người đã làm chanh, nên họ có nhiều kinh nghiệm. Chính họ đã góp ý và cùng dìu dắt Công ty hoàn thiện quy trình sản xuất từ những ngày đầu”, chị Vân nhớ lại.
Tuy nhiên, chỉ được thời gian ngắn, bên đối tác gặp sự cố, nên dự án bị bỏ dở giữa chừng. Công ty cũng tạm ngưng hoạt động. Cho mãi tới cuối năm 2019, Công ty mới bắt đầu hoạt động lại nhà xưởng với sản phẩm mới là xoài. Đến năm 2020, Công ty tiếp tục quay lại với chanh dây và ra mắt thêm một loạt các sản phẩm mới như: sầu riêng, mít, tiêu…
Khi đó, nhà xưởng của Công ty đã đạt tiêu chuẩn ISO, một trong những tiêu chuẩn có thể xuất khẩu trực tiếp. Cuối năm 2020, Trung Quốc không cho xuất khẩu tiểu ngạch, mà phải có đăng ký. Lúc này, Công ty đã kịp thời đăng ký mã vùng trồng cho các sản phẩm nông sản, nên hoàn toàn có lợi thế xuất khẩu chính ngạch, không phải qua khâu trung gian.
Mỗi năm, bình quân sản lượng chanh dây xuất khẩu của Công ty đạt khoảng 810 tấn; sầu riêng đạt 216 tấn múi và gần 1.000 tấn quả tươi; xoài đạt 1.200 tấn/năm…
Cái khó ló cái khôn
Chị Vân kể lại, những ngày đầu mở nhà máy, Công ty gặp vô vàn khó khăn. Nhớ nhất vẫn là việc lặn lội từng nhà trong thôn để tìm công nhân gọt xoài. Nhưng họ chỉ làm được 1 ngày là nghỉ, vì không biết cách làm.
Tuy nhiên, chị không nản chí, quyết định đi in tờ tuyển dụng và tự mình đi dán khắp nơi, từ TP. Gia Nghĩa tới Đắk Glong để tuyển công nhân về cho nhà máy. Tiếp đó, chị trực tiếp xuống tận miền Tây thuê thêm 10 công nhân vững tay nghề của Công ty bạn hàng về bao ăn, ở để họ hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho công nhân của mình. Vậy là, chỉ sau đúng 1 tuần, tất cả công nhân của Công ty đều biết ngay cách làm và đạt năng suất lao động mỗi ngày.
Cái bỡ ngỡ kế tiếp của doanh nghiệp đó còn là việc tìm bạn hàng cho các đơn hàng của mình. Ban đầu, đơn vị chủ yếu làm và xuất khẩu quả tươi qua thị trường Trung Quốc. Năm đó, chanh dây được trồng ồ ạt, nhưng lại xuất qua đường tiểu ngạch nên đầu ra không kiểm soát được. Có những mối làm ăn phải nhờ vào may rủi.
Khi ấy, phần lớn hàng hoá xuất qua cho đối tác, rồi mới thanh toán. Nhiều khách hàng chưa trả tiền ngay, nhưng doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận “nợ xấu” để duy trì thị trường và tiếp tục tìm khách hàng mới… Từ những bấp bênh này đã giúp nữ giám đốc trẻ quyết tâm hơn trong việc xây dựng lộ trình sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn và nhà máy chế biến sâu cho các nông sản sau này.
Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân hiện đang giải quyết việc làm cho 40-50 lao động là người địa phương, với mức lương bình quân 7-9 triệu đồng/người/tháng.
Gây dựng nền móng nông nghiệp sạch
Sản phẩm được đơn vị tâm huyết nhất và đang xây dựng một lộ trình phát triển rõ ràng đó là sầu riêng. Sản phẩm này được doanh nghiệp bắt đầu trồng từ năm 2016.
Đến năm 2017, vườn sầu riêng 30 ha chuẩn VietGAP đã được xây dựng mã vùng trồng. Hiện nay, vườn đã bắt đầu cho thu hoạch. Công ty đã mở rộng thêm diện tích cho các hộ lân cận, với hơn 100 ha và chuẩn bị cho đợt đánh giá theo tiêu chuẩn VietGAP lần thứ 2. Vì vậy, khi có chủ trương xây dựng mã vùng trồng, mã đóng gói cho sản phẩm xuất khẩu, đơn vị đã đủ điều kiện và nộp hồ sơ ngay. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp được đánh giá và cấp mã vùng trồng đầu tiên của Đắk Nông.
Tiếp đến là sản phẩm tiêu. Vùng trồng tiêu sinh thái của Công ty có từ năm 1998. Mặc dù, vườn tiêu của Công ty đã hơn 20 năm tuổi, nhưng hiện nay phát triển rất tốt, năng suất ổn định. Tuy nhiên, giá xuống thấp nên doanh nghiệp không thể đóng số lượng lớn cho xuất khẩu ngay. Chiến lược của đơn vị cho mặt hàng tiêu là đi từng bước, bắt đầu từ việc bán lẻ sản phẩm.
Hiện tại, sản phẩm này được đơn vị chế biến, đóng gói thành thành phẩm. Nữ doanh nhân đang hợp tác với một nhóm bạn ở tỉnh Khánh Hòa để thành lập riêng một Công ty chuyên phân phối, bán lẻ tiêu. Sản phẩm mới này của doanh nghiệp cũng đang được thị trường đón nhận với tín hiệu tích cực và mong muốn sẽ được phục vụ thị trường xuất khẩu trong những năm tới.
“Mục tiêu lâu dài của Công ty là xây dựng nông sản của Đắk Nông theo hướng hữu cơ, xanh – sạch. Doanh nghiệp ấp ủ sẽ tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, cụ thể, có thể tới thẳng tay người tiêu dùng. Có như vậy, giá trị kinh tế mang lại sẽ lớn hơn”, chị Vân tâm sự.
Hiện tại, sản phẩm sầu riêng, chanh dây, xoài được xuất khẩu trực tiếp đi Trung Quốc, sản phẩm mít xuất khẩu đi Ấn Độ… Thời gian tới, Công ty sẽ mở rộng thêm thị trường Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Đông… Chị Vân chia sẻ, Công ty luôn sẵn sàng hỗ trợ bà con khi có nhu cầu làm nông nghiệp sạch. Khi sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chuẩn, Công ty luôn mua cho bà con tại địa phương với giá cao hơn những nơi khác.
Hiện tại, Công ty đang trồng 50 ha chanh dây đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Quảng Sơn (Đắk Glong); 30 ha sầu riêng VietGAP và hơn 10 ha hồ tiêu theo hướng sinh thái tại xã Đắk Nia (Gia Nghĩa).