Thời gian qua, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh Đắk Nông đã có nhiều nỗ lực phục hồi sản xuất, tạo những bước phát triển cả về số lượng, chất lượng lẫn quy mô. Các doanh nghiệp, doanh nhân đã năng động, sáng tạo tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, chung sức vì an sinh xã hội của tỉnh.
Khẳng định thành phần kinh tế quan trọng
Từ khi tái lập đến nay, Đắk Nông luôn quan tâm đến đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, xem đây là thành phần kinh tế động lực, tạo đà cho phát triển kinh tế-xã hội
Ngoài nỗ lực về công tác cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh còn chủ động kết nối, mời gọi, gặp gỡ, làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Đắk Nông liên tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thông qua nhiều chủ trương, chính sách để tạo ra một “cú hích” mới trên hộ trình phát triển.
Tính đến hết tháng 6/2023, Đắk Nông có 3.925 doanh nghiệp; trong đó, có 2.885 doanh nghiệp đang hoạt động thực hiện kê khai thuế. Bình quân mỗi năm, cộng đồng doanh nghiệp đóng ngân sách Nhà nước trên 600 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2016-2022, các doanh nghiệp đóng góp số thu ngân sách của tỉnh trên 6.150 tỷ đồng.
Mặc dù doanh nghiệp ở Đắk Nông phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ nhưng đang là thành phần kinh tế quan trọng trong đóng góp tỷ trọng cho nền kinh tế tỉnh. Doanh nghiệp, doanh nhân Đắk Nông không chỉ góp phần quan trọng cho nguồn thu ngân sách mà còn thể hiện vai trò tiên phong trên nhiều lĩnh vực phát triển.
Các ngành công nghiệp khai thác – chế biến đang tạo công ăn việc làm, thu hút nhân công từ làng quê lên thành thị. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp sản xuất; đồng thời chuyển dịch cơ cấu dân cư từ nông thôn lên đô thị. Các ngành công nghiệp sản xuất đang tạo ra một lượng sản phẩm lớn để phục vụ xã hội, kéo theo đó là sự hình thành của các doanh nghiệp có vai trò phân phối hàng hóa và cung cấp dịch vụ.
Trong thời đại 4.0, doanh nghiệp, doanh nhân cũng là lực lượng tiên phong về ứng dụng khoa học kỹ thuật, các mô hình quản lý tiên tiến và đẩy mạnh lộ trình số hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận hành tổ chức doanh nghiệp.
Hoạt động của các doanh nghiệp cũng góp phần tích cực trong việc tạo ra của cải vật chất, quảng bá giá trị kinh tế, văn hóa của Đắk Nông. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đang không ngừng nỗ lực, tìm tòi, ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất vào sản xuất để xây dựng thương hiệu, tạo việc làm cho người lao động. Sản phẩm của doanh nghiệp Đắk Nông hiện nay không chỉ có thương hiệu trong tỉnh, trong nước mà còn sẵn sàng trên đà hội nhập, chinh phục thị trường quốc tế. Trong đó, nhiều sản phẩm có sức ảnh hưởng cao và khả năng cạnh tranh trên thương trường như: alumin, mắc ca, gạo Buôn Choáh, hạt điều, cà phê…
Trách nhiệm với cộng đồng, xã hội
Phát huy tính nhân văn trong văn hóa doanh nghiệp, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Đắk Nông đã thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.
Điều dễ thấy nhất là các doanh nghiệp đã và đang tạo sinh kế cho hàng ngàn lao động địa phương với mức thu nhập khá ổn định. Trong đợt đại dịch Covid-19 bùng phát, mặc dù nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn quan tâm đến an sinh người lao động. Trong quá trình sử dụng lao động, các doanh nghiệp cũng đã chú trọng đào tạo, nâng cao kiến thức, tay nghề cho người lao động, góp phần cùng địa phương giải quyết công ăn, việc làm, an sinh xã hội và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tính đến tháng 9/2023, Đắk Nông có tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 4.742 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 56.060 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 39.118 người. Trong số này, có 2.885 doanh nghiệp đang hoạt động thực hiện kê khai thuế, tạo công ăn việc làm cho khoảng 31.139 lao động.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Đắk Nông những năm qua còn góp phần quan trọng trong công tác an sinh xã hội. Nhiều doanh nghiệp trở thành điển hình trong phong trào đền ơn đáp nghĩa, xã hội từ thiện, xóa đói giảm nghèo… Đến nay, một số doanh nghiệp Đắk Nông đã nhận phụng dưỡng suốt đời các Mẹ Việt Nam anh hùng, hỗ trợ thường xuyên các thương, bệnh binh có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng trường, lớp, các công trình phúc lợi…
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Đắk Nông tích cực chung sức cùng tỉnh trong các chương trình bình ổn giá, chống lạm phát; chương trình sản xuất, tiêu dùng xanh…
Có thể thấy, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong phát triển kinh tế-xã hội đã được Đảng, Nhà nước xem là thành phần kinh tế động lực. Cùng với các thành phần kinh tế khác, kinh tế tư nhân đã được Đại hội IX của Đảng chính thức khẳng định là “bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đại hội X, XI của Đảng xác định kinh tế tư nhân “là một trong những động lực của nền kinh tế”. Đến Đại hội XII, XIII đánh giá kinh tế tư nhân “là một động lực quan trọng” của nền kinh tế. Từ đó, có thể khẳng định, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vị thế về kinh tế, chính trị của doanh nhân với tư cách là chủ thể cốt lõi, quan trọng trong kinh tế tư nhân, ngày càng được nâng cao.