Chưa tiếp cận được
Đây là một nội dung được quy định tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trong thời điểm kinh tế khủng hoảng, tài chính khó khăn, quy định vay mới để trả nợ cũ mang tính “đột phá”. Chính sách này được xem như một “liều thuốc mạnh” cho hoạt động tín dụng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, khách hàng không dễ dàng tiếp cận chính sách này.
Anh Nguyễn Văn Hà (Gia Nghĩa) rất phấn khởi trước chính sách mới này. Theo anh Hà, cách đây 2 năm, gia đình anh mua bất động sản thuộc một dự án tại TP. Hồ Chí Minh và thực hiện vay vốn tại một tổ chức tín dụng dưới đó.
Năm đầu tiên, anh được hưởng ưu đãi lãi suất và ân hạn trả nợ gốc. Từ năm thứ hai, khoản vay của anh chịu lãi suất thả nổi 13,5%/năm, có lúc lên tới 14,5%/năm. Điều này khiến chi phí trả gốc, lãi hàng tháng nặng nề hơn.
“Tôi đã tham khảo nhân viên tín dụng của Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển (BIDV) Đắk Nông về chính sách này. Cán bộ BIDV tư vấn gói vay lãi suất thấp hơn 3% đến 6% một năm so với khoản vay hiện tại”, anh Hà thông tin.
Cũng theo anh Hà, anh chấp nhận phí trả nợ trước hạn, mua bảo hiểm tại ngân hàng mới để được vay mới. Tuy nhiên, bản thân anh không hề dễ dàng được ngân hàng cho vay. “Trước đó, tôi đã bị một ngân hàng tư nhân từ chối cho vay theo chương trình này. Giờ tìm đến BIDV, nhưng cũng gặp trở ngại là tài sản bảo đảm đang thế chấp ở ngoại tỉnh”, anh Hà chia sẻ.
Trường hợp ông Lê Đình Nhượng (Đắk R’lấp) cũng dự định rút khoản nợ từ ngân hàng cũ nếu được vay ngân hàng mới. Tuy nhiên, khi rút nợ, ông phải chịu một khoản phí phạt trả nợ trước hạn khá cao. Chưa kể, chi phí phải đóng những khoản khác như: thế chấp sổ đỏ, phí đăng ký lại thế chấp mới, phí công chứng, bảo hiểm cho khoản vay mới… “Tất cả những khoản này cộng lại khiến cho việc chuyển sang vay ngân hàng khác cũng không mang nhiều khác biệt lớn về chi phí. Trong khi, khách hàng phải thực hiện thủ tục tương đối mất thời gian”, ông Nhượng phân trần.
Ngân hàng dè dặt
Theo quy định tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN, hiện tại, mới chỉ có 3 ngân hàng quốc doanh gồm: Vietcombank, BIDV và VietinBank triển khai chính sách “cho vay mới trả nợ cũ”. Tại Vietcombank, lãi suất ưu đãi dao động từ 6,9% đến 8% trong 2 năm đầu tiên. Sau thời gian ưu đãi, Vietcombank sẽ áp dụng mức lãi suất thả nổi, dao động quanh 10,5%.
Còn với BIDV, lãi suất khoản vay ngắn hạn có mức ưu đãi thời gian đầu từ 6% một năm. Khoản vay trung dài hạn, lãi suất ưu đãi thời gian đầu từ 6,8% một năm. Còn VietinBank ưu đãi lãi suất từ 7,5% cho vay tiêu dùng.
Theo đại diện nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, chính sách mới về cơ bản không làm tăng dư nợ của toàn hệ thống. Tuy nhiên, khách hàng có nhiều lựa chọn hơn. Điều này tăng cạnh tranh lãi suất giữa các ngân hàng để hút khách.
Theo Ngân hàng Nhà nước tỉnh, sau hơn nửa tháng thực hiện Thông tư 06, toàn tỉnh chưa phát sinh hồ sơ nào trong diện này. Đa phần khách hàng tìm đến phương án vay mới trả cũ đều có nhu cầu dùng chính tài sản đang thế chấp cho khoản vay cũ để làm tài sản bảo đảm cho khoản vay mới. Tuy nhiên, việc thẩm định lại giá trị tài sản bảo đảm, đặc biệt là bất động sản trong thị trường hiện tại cũng có thể khiến định giá suy giảm. Điều này kéo theo dư nợ cho vay thấp hơn khoản cũ.
Bên cạnh đó, giá trị khoản vay cũng là một yếu tố mà ngân hàng cân nhắc. Do phát sinh các thủ tục nên một số ngân hàng lớn sẽ không quá mặn mà với khoản vay cá nhân giá trị thấp.