Giáo hoàng Francis đã kêu gọi Azerbaijan và Armenia đàm phán khôi phục hòa bình ở Nagorny-Karabakh, đồng thời đánh giá khu vực này đang trải qua một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Người tị nạn Armenia rời khỏi Nagorny-Karabakh đi lánh nạn tới các thành phố của Armenia ngày 30/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Giáo hoàng Francis đã kêu gọi Azerbaijan và Armenia đàm phán khôi phục hòa bình ở Nagorny-Karabakh, đồng thời đánh giá khu vực này đang trải qua một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Trong buổi cầu nguyện ngày 1/10, Giáo hoàng Francis chia sẻ: “Tôi đã theo dõi tình hình rất khó khăn của những người phải sơ tán khỏi Nagorny-Karabakh trong những ngày gần đây và tiếp tục kêu gọi Azerbaijan và Armenia cùng đối thoại, hy vọng tiến trình đàm phán giữa các bên… sẽ thúc đẩy thỏa thuận lâu dài, có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo.”
Người đứng đầu Vatican cũng kêu gọi cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ nổ tại kho nhiên liệu gần thành phố Stepanakert ở Nagorny-Karabakh.
Trước đó, Azerbaijan thông báo một phái đoàn của Liên hợp quốc ngày 1/10 đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên trong vòng 30 năm tới vùng lãnh thổ Nagorny-Karabakh.
Động thái này diễn ra sau khi gần như toàn bộ sắc tộc Armenia bỏ chạy kể từ khi Azerbaijan giành lại quyền kiểm soát vùng lãnh thổ ly khai này.
Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Azerbaijan khẳng định “một phái đoàn của Liên hợp quốc đã đến Karabakh vào sáng 1/10 (theo giờ địa phương), với nhiệm vụ chính là đánh giá các nhu cầu nhân đạo. Đây là lần đầu tiên sau khoảng 30 năm, Liên hợp quốc được phép tiếp cận Nagorny-Karabakh.”
Chính quyền Armenia ngày 30/9 cho biết hơn 100.000 người đã rời khỏi Nagorny-Karabakh, đồng nghĩa với việc hơn 80% số dân cư gốc Armenia đã rời đi kể từ khi Azerbaijan giành lại quyền kiểm soát khu vực này.
Người phát ngôn Nazeli Baghdasaryan của Thủ tướng Armenia cho biết số người tị nạn vào Armenia trong tuần qua đã lên tới 100.417 người.
Đợt di cư diễn ra sau khi chính quyền của người sắc tộc Armenia tại Nagorny-Karabakh đầu hàng trước quân đội Azerbaijan trong chiến dịch quân sự chớp nhoáng vào tuần trước và tuyên bố sẽ giải thể từ ngày 1/1/2024.
Giới quan sát cho rằng nếu toàn bộ 120.000 người sắc tộc Armenia đi theo hành lang Lachin tới Armenia, nước này có thể phải đương đầu với cuộc khủng hoảng nhân đạo./.