Kết quả thăm dò dư luận mới nhất cho thấy đảng Dân chủ Xã hội Smer-Slovak của cựu Thủ tướng Robert Fico và đối thủ lớn nhất là đảng Cấp tiến Slovakia (PS) đang dẫn đầu về tỷ lệ ủng hộ của cử tri.
Một phiên họp Quốc hội Slovakia. (Nguồn: TASR)
Theo kế hoạch, ngày 30/9, Slovakia tiến hành cuộc bầu cử Hội đồng Nhà nước (Quốc hội) trước thời hạn. Tham gia tranh cử có 25 đảng phái chính trị chạy đua giành 150 ghế tại cơ quan quyền lực cao nhất quốc gia Trung Âu này.
Kết quả thăm dò dư luận mới nhất cho thấy đảng Dân chủ Xã hội Smer-Slovak (Smer-SD) của cựu Thủ tướng Robert Fico và đối thủ lớn nhất là đảng Cấp tiến Slovakia (PS) đang dẫn đầu về tỷ lệ ủng hộ của cử tri. Tuy nhiên, các đảng phái chính trị nhỏ hơn được đánh giá vẫn có nhiều cơ hội.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung và Đông Âu, để có đại diện tại Quốc hội Slovakia, một chính đảng cần giành được ít nhất 5% số phiếu bầu, trong khi ngưỡng tối thiểu quy định đối với một liên minh gồm 2 hoặc 3 đảng là 7%, liên minh gồm 4 đảng là 10%.
Cuộc chạy đua giành ghế tại Quốc hội Slovakia năm nay diễn ra căng thẳng khi các đảng phái chính trị chú trọng tới những vấn đề như chính sách đối ngoại, an ninh quốc gia, các chủ đề dân sinh như tăng số ngày nghỉ, tăng lương hưu v.v… để vận động sự ủng hộ của cử tri.
Đảng Smer-SD của cựu Thủ tướng Fico, theo khuynh hướng bảo thủ, đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận với tỷ lệ cử tri ủng hộ duy trì trên 20%. Các ưu tiên trong chiến lược tranh cử của chính đảng này là lấy chủ quyền làm nền tảng trong chính sách đối ngoại của Slovakia; duy trì ổn định mức sống của người dân; tăng cường quản lý khủng hoảng.
Trong khi đó, đảng PS, do ông Michal Šimečka làm chủ tịch, theo khuynh hướng dân chủ xã hội tiến bộ, hiện đang ở vị trí thứ hai với tỷ lệ ủng hộ khoảng 15-18%. Đảng có quan điểm thân phương Tây, ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Các ưu tiên trong chiến lược tranh cử của PS là thúc đẩy bình đẳng xã hội và bảo vệ quyền con người; ưu tiên cho tương lai xanh của Slovakia; giảm các khoản phí chăm sóc sức khỏe và đặt ra mục tiêu rõ ràng cho các công ty bảo hiểm y tế.
Đảng Tiếng nói – Dân chủ Xã hội (Hlas-SD), với chủ tịch là cựu Thủ tướng Peter Pellegrini, theo khuynh hướng dân chủ xã hội, đứng ở vị trí thứ ba. Các ưu tiên trong chương trình tranh cử của Hlas-SD là tăng trợ cấp xã hội cho người nghèo; hạn chế lợi nhuận của các chuỗi bán lẻ; giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với thực phẩm cơ bản.
Đảng Cộng hòa Slovakia với Chủ tịch Milan Uhrík, theo khuynh hướng dân tộc cực hữu, nhận được từ 6-8% sự ủng hộ. Các ưu tiên trong chương trình tranh cử của đảng này là cải cách và thay đổi căn bản EU; giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân; bảo vệ các giá trị truyền thống.
Trong khi đó, Liên minh OľaNO, lãnh đạo là bà Erika Jurinova, theo khuynh hướng thân phương Tây và thúc đẩy nhà nước pháp quyền. OľaNO ưu tiên các vấn đề như chống tham nhũng; thúc đẩy sự công khai và minh bạch; hỗ trợ giáo dục. Liên minh đang nhận được khoảng 6% cử tri ủng hộ.
Phong trào Dân chủ Thiên chúa giáo (KDH), chủ tịch là ông Milan Majerský, theo khuynh hướng trung hữu bảo thủ. Chiến lược tranh cử của KDH là tăng thêm phúc lợi xã hội cho những người có con dưới 15 tuổi; tăng trợ cấp xã hội; đơn giản hóa và thống nhất hệ thống thuế.
Đảng Tự do và Đoàn kết (SaS) của Chủ tịch Richard Sulík theo khuynh hướng trung hữu nhận được khoảng 6% sự ủng hộ. Các ưu tiên của đảng này là thúc đẩy năng lượng hạt nhân; duy trì một mức thuế VAT cố định là 19%; khuyến khích phúc lợi cho cha mẹ và trợ cấp nhà ở.
Đảng Quốc gia Slovakia (SNS), chủ tịch là ông Andrej Danko, theo khuynh hướng cánh hữu bảo thủ. SNS là đảng chính trị lâu đời nhất của Slovakia nhưng hoạt động không nổi bật trong những năm gần đây và vào năm 2020, đảng này không có ghế tại Quốc hội. SNS được đánh giá là đối tác liên minh quan trọng của Smer-SD.
Các ưu tiên trong chương trình tranh cử của SNS là chấm dứt chủ nghĩa tự do và thúc đẩy chủ nghĩa yêu nước tích cực; tăng lương hưu; đề cao chủ quyền quốc gia.
Đầu năm nay, Quốc hội Slovakia đã ấn định thời điểm tổ chức bầu cử trước thời hạn sau khi chính phủ trung hữu của Thủ tướng Eduard Heger không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và các đảng phái không nhất trí được thành lập chính phủ mới.
Giới phân tích đánh giá kết quả cuộc bầu cử ngày 30/9 và việc thành lập chính phủ mới ở Slovakia có thể tác động lớn tới chính sách đối ngoại của quốc gia Trung Âu này, trong đó có quan hệ với Nga, EU, NATO và cách tiếp cận đối với cuộc chiến Ukraine./.