Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định vụ bê bối thị thực đang diễn ra ở Ba Lan cần phải được làm rõ, và tỏ ý Berlin có thể thực hiện các bước để kiểm soát biên giới với Ba Lan.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz yêu cầu Ba Lan làm rõ các cáo buộc liên quan đến thị thực Schengen. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 23/9 đã kêu gọi chính phủ Ba Lan làm rõ những cáo buộc liên quan đến vụ bê bối gian lận thị thực gây chấn động chính trường Ba Lan.
Sự việc xảy ra trong bối cảnh cuộc tranh luận về vấn đề nhập cư đang nóng lên ở Đức.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu tại một sự kiện, Thủ tướng Scholz khẳng định vụ bê bối thị thực đang diễn ra ở Ba Lan cần phải được làm rõ, và tỏ ý Đức có thể thực hiện các bước để kiểm soát biên giới với Ba Lan.
Yêu cầu của ông Olaf Scholz được đưa ra chỉ vài ngày sau khi các nguồn tin cho biết Đức đã triệu Đại sứ Ba Lan và Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cũng đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ba Lan Kaminski để nói về vấn đề này.
Giới chức Đức đã yêu cầu Warsaw nhanh chóng cung cấp thông tin đầy đủ làm rõ về những cáo buộc nghiêm trọng trên.
Người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức Mehmet Ata cho biết Berlin mong muốn Warsaw cung cấp thông tin chính thức về số thị thực đã được phát hành và thời điểm phát hành, quốc tịch của những người có thị thực.
Trước đó, Ủy viên Nội vụ Liên minh châu Âu (EU) Ylva Johansson, trong thư gửi Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau, cũng yêu cầu làm rõ thông tin liên quan đến vụ bê bối “bán” 350.000 thị thực Schengen.
Ủy viên Johansson chỉ ra rằng hành vi của chính quyền Ba Lan có thể đồng nghĩa với việc “vi phạm luật pháp EU, đặc biệt là Bộ luật Thị thực EU.”
Từ đầu tháng Chín, Chính phủ Ba Lan phải đối mặt với những cáo buộc của các đảng đối lập cho rằng chính phủ đồng lõa trong một hệ thống mà ở đó người di cư “trả phí” qua trung gian để có được thị thực Schengen trong một thời gian rất ngắn mà không có sự kiểm tra nào.
Những người đến Ba Lan có thị thực này sẽ thể dễ dàng sang các quốc gia khác thuộc EU.
Chính phủ Ba Lan đã viết thư cho ủy viên phụ trách an ninh EU để giải thích rằng vụ bê bối là một sự kiện bị “phóng đại.”
Tuy nhiên, cơ quan mật vụ Ba Lan tuần trước thông báo đã bắt giữ 7 người liên quan vụ bê bối. Thậm chí Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Piotr Wawrzyk đã từ chức.
Theo truyền thông Ba Lan, một hệ thống “trả phí” cấp thị thực Schengen cho người di cư từ Trung Đông và châu Phi đã được áp dụng thông qua lãnh sự quán Ba Lan và một số công ty ở các quốc gia liên quan./.