Khán giả thực sự bị cuốn hút vào nội dung và chủ đề của vở opera lấy môtíp dựa trên câu chuyện tình yêu có thật giữa công nữ Ngọc Hoa (công nữ Anio) của Hội An (Việt Nam) và mộ thương nhân Nhật Bản.
Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương Kiko; Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang với các đại biểu đến dự buổi Công chiếu vở opera ‘Công nữ Anio.’ (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Tối 22/9, trong khuôn khổ chương trình thăm chính thức Việt Nam, Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino, Công nương Kiko đã dự buổi công chiếu vở opera “Công nữ Anio” tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng tham dự.
Dự án vở opera “Công nữ Anio” chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản do Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và Ban Điều hành “Công nữ Anio” (Brain Group, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Âm nhạc Yamaha Việt Nam, Hiệp hội Xúc tiến Giao lưu Quốc tế NPO) phối hợp tổ chức sản xuất; được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao cùng Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đồng bảo trợ.
Hội tụ êkíp sản xuất và dàn nghệ sỹ opera nổi bật của hai quốc gia, vở opera “Công nữ Anio” với những thông điệp ý nghĩa không chỉ đóng góp vào sự phát triển của nền âm nhạc hai quốc gia mà còn kết nối những giá trị lịch sử-văn hóa-nghệ thuật từ quá khứ đến hiện tại và hướng đến tương lai của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, trở thành “sứ giả” gắn kết người dân hai nước lại gần nhau hơn, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương hai nước phát triển.
Tại buổi công diễn, khán giả thực sự bị cuốn hút vào nội dung và chủ đề của vở opera lấy môtíp dựa trên câu chuyện tình yêu có thật giữa công nữ Ngọc Hoa (công nữ Anio) của Hội An, Việt Nam và Araki Sotaro, một thương nhân Nagasaki, Nhật Bản vào thời Mậu dịch Châu Ấn thuyền (Shuinsen) của Nhật Bản ở đầu thế kỷ 17.
Theo lịch sử triều Nguyễn ở Việt Nam, công nữ Ngọc Hoa là con gái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên (ở ngôi từ năm 1613 đến năm 1635) – vị chúa Nguyễn thứ hai của chính quyền Đàng Trong, sau chúa Tiên Nguyễn Hoàng.
Ông Araki Sotaro buôn bán ở Hội An rồi gặp công nữ Ngọc Hoa, cả hai đã nên duyên vợ chồng.
Năm 1620, ông đưa vợ về Nhật. Tại quê nhà Nagasaki, bà được mọi người chào đón vì vẻ xinh đẹp kiều diễm, tính tình hiền hòa dễ thương. Tên của bà được đặt theo tiếng Nhật là Wukaku (Vương Gia Cửu) nhưng do bà thường gọi chồng bằng tiếng Việt “anh ơi, anh ơi” nên người Nhật đã gọi bà bằng tên thân mật là Anio-san, từ “Anio” phát âm giống như câu nói cửa miệng của bà khi gọi chồng.
Sau này, các cô gái xinh đẹp, dễ thương đều được gọi là Anio-san.
Ngày nay, lễ rước kiệu đón công nữ Anio vẫn tiếp tục được tái hiện trong phân cảnh “Châu Ấn thuyền” 7 năm một lần, tại lễ hội Nagasaki Kunchi ở Nagasaki vào ngày 7-9/10 hằng năm.
Thông qua việc đưa câu chuyện sự thật lịch sử vào vở opera này, Dự án hướng đến mục tiêu tạo nên một tác phẩm như một biểu tượng cầu nối giúp mối quan hệ hai quốc gia ngày càng sâu sắc hơn trong 50 năm, 100 năm tới và hơn thế nữa.
Dự án opera này được khởi xướng bởi những người Nhật Bản sinh sống tại Việt Nam. Dự án có cố vấn danh dự là ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam.
Đại diện dự án là ông Honna Tetsuji, Giám đốc Âm nhạc kiêm Chỉ huy chính Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.
Dự án còn hai đồng đại diện khác là ông Trịnh Tùng Linh, Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và ông Furukawa Naomasa, Trưởng ban Điều hành “Công nữ Anio”./.