EC cho biết đang kêu gọi các công ty châu Âu đến ngày 27/9 cần gửi yêu cầu về tổng lượng khí đốt, sau đó sẽ tìm kiếm các công ty chào hàng trên thị trường quốc tế từ ngày 3-4/10.
Giàn khai thác khí đốt của Tập đoàn Năng lượng đa Quốc gia ENI của Italy trên biển Adriatic. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 21/9, Ủy ban châu Âu (EC) đã khởi động đợt mua khí đốt lần thứ ba, nhằm đảm bảo nhu cầu của các nước thành viên trước mùa Đông, cũng như tránh phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga.
EC cho biết đang kêu gọi các công ty châu Âu đến ngày 27/9 cần gửi yêu cầu về tổng lượng khí đốt. Sau đó, cơ quan này sẽ tìm kiếm các công ty chào hàng trên thị trường quốc tế từ ngày 3-4/10. Nếu giao dịch được ký kết thì các đợt giao hàng dự kiến sẽ diễn ra từ tháng 12/2023 đến tháng 3/2025.
Phó Chủ tịch EC Maros Sefcovic cho rằng tình hình thị trường khí đốt vẫn diễn biến căng thẳng. Do đó, ông Sefcovic cho rằng các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cần thận trọng theo dõi thị trường để có thể tiếp tục triển khai việc mua chung khí đốt, nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định với mức giá tốt hơn.
Trước đó, EU đã tiến hành hai lần đấu thầu quốc tế để mua chung khí đốt, lần lượt vào tháng 5 và tháng 7 năm nay.
Trong hai lần này, các công ty châu Âu tham gia kế hoạch mua chung đã gửi yêu cầu về tổng lượng khí đốt vào khoảng 27,5 tỷ m3. Tuy nhiên, các hồ sơ dự thầu quốc tế đáp ứng được các yêu cầu gọi thầu của EU mới đáp ứng được 22,9 tỷ m3 khí đốt. Con số này chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng nhu cầu khí đốt khoảng 360 tỷ m3 của EU.
Chính sách mua chung khí đốt của EU là một phần trong các biện pháp mà EU thông qua năm 2022 để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng xảy ra khi đó.
Chính sách này giúp các nước thành viên có đủ dự trữ để chuẩn bị cho mùa Đông khi nhu cầu của châu Âu về khí đốt sưởi ấm lên đến đỉnh điểm.
EU đặt mục tiêu đến năm 2027 sẽ chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu nhập từ Nga./.