Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh đầu tư các lĩnh vực tiềm năng như hạ tầng sản xuất, hạ tầng giao thông, logistics, y tế và phát triển đô thị.
Đoàn tàu đầu tiên của Tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên (Thành phố Hồ Chí Minh) được các chuyên gia, kỹ sư của Nhà thầu Hitachi đã thực hiện các công đoạn kiểm tra kỹ thuật lần cuối cùng tại Nhật Bản (2020). (Ảnh: MAUR/TTXVN phát)
Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn là hình mẫu hợp tác địa phương giữa Việt Nam và Nhật Bản, là chia sẻ của ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập Quan hệ Ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, do Ủy ban Nhân dân thành phố tổ chức sáng 20/9.
Ông Phan Văn Mãi cho biết đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã xác lập quan hệ hợp tác với với 7 địa phương Nhật Bản. Quan hệ với các địa phương Nhật Bản nói riêng, các đối tác Nhật Bản nói chung luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Thành phố.
Ông cho rằng, trong bối cảnh Nhật Bản đang tăng cường kết nối với khu vực Mekong và thúc đẩy tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, Thành phố Hồ Chí Minh có thể đóng vai trò là một mắt xích quan trọng kết nối chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị khu vực, góp phần định hình kiến trúc an ninh khu vực công bằng, ổn định và bền vững.
Thành phố mong muốn và sẵn sàng cùng Chính phủ và các đối tác Nhật Bản tìm kiếm, triển khai các sáng kiến nhằm kiến tạo không gian phát triển rộng lớn hơn cho cả hai dân tộc, cũng như cho cộng đồng khu vực và thế giới.
Thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh đầu tư các lĩnh vực tiềm năng như hạ tầng sản xuất, hạ tầng giao thông, logistics, y tế và phát triển đô thị.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực như Kinh tế Số, Đổi mới Sáng tạo, Kinh tế Xanh, Kinh tế Tuần hoàn, Năng lượng Mới hứa hẹn đem lại cơ hội mở rộng hợp tác giữa hai bên. Thành phố mong muốn kiến tạo mô hình hợp tác mới về ODA với JICA, thông qua sự kết hợp năng động giữa vốn viện trợ của JICA, ngân sách của Thành phố, đầu tư của doanh nghiệp và sự tham gia của người sử dụng dịch vụ.
“Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn và kỳ vọng rằng, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, đối tác Nhật Bản, với tầm nhìn và hiểu biết sâu sắc về tiềm năng cũng như sự nỗ lực, quyết tâm vươn lên của Thành phố và bối cảnh chiến lược mới, sẽ nhìn nhận Thành phố Hồ Chí Minh là trọng tâm đặc biệt, đối tác chính của các bạn ở khu vực và thế giới” – ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Cảm ơn Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập Quan hệ Ngoại giao giữa Nhật Bản-Việt Nam, ông Ono Masuo, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa, thể thao…, trên mọi cấp độ từ cấp lãnh đạo đến cấp cơ sở.
Chuyến thăm Việt Nam của Hoàng Thái tử Akishino và Công nương diễn ra từ ngày 20-21/9 sẽ mở ra bước ngoặt mới cho 50 năm Quan hệ Nhật Bản-Việt Nam.
Theo Tổng lãnh sự Nhật Bản, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam, số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khu vực phía Nam đã vượt hơn 1.000 doanh nghiệp. Lĩnh vực đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản có sự thay đổi, mở rộng sang lĩnh vực cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho thị trường nội địa Việt Nam, thay vì chỉ tập trung vào ngành sản xuất để xuất khẩu như trước đây.
Ông Ono Masuo cho rằng hiện nay, mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam đang thay đổi từ quan hệ giữa “bên hỗ trợ” và “ bên nhận hỗ trợ” trở thành mối quan hệ bình đẳng hơn và cùng hỗ trợ lẫn nhau; đồng thời mong muốn tiếp tục hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh để phát triển hơn nữa tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước./.