Sau cuộc điều tra về thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ, Bộ Công Thương đã quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với một số sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc. Các đơn vị phân tích cho rằng đây là tin tốt cho các doanh nghiệp sản xuất thép HRC tại Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tôn mạ phụ thuộc vào HRC nhập khẩu sẽ chịu tác động tiêu cực.
Doanh nghiệp sản xuất HRC hưởng lợi
Sau cuộc điều tra về thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ bắt đầu từ tháng 7/2024, ngày 21/2/2025, Bộ Công Thương đã quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với một số sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc (theo Quyết định 460/QĐ-BCT), với mức thuế sơ bộ dao động từ 19,38% đến 27,83%. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 8/3/2025 và trong vòng 120 ngày sau đó.
Theo Bộ Công Thương, trong quá trình điều tra vụ việc, đơn vị này đã phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét và đánh giá tác động của hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu đối với hoạt động của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đến từ Ấn Độ và Trung Quốc. Kết quả điều tra cho thấy, mặc dù có tồn tại hành vi bán phá giá nhưng do tỷ lệ nhập khẩu hàng hóa bị điều tra từ Ấn Độ ở mức không đáng kể (dưới 3%) nên hàng hóa bị điều tra từ Ấn Độ được loại khỏi phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời.
Nhận định nhanh về ngành thép, chuyên gia tại SSI Research cho rằng đây là tin tốt cho các doanh nghiệp sản xuất thép HRC tại Việt Nam như HPG, công ty dự kiến sẽ bắt đầu đưa Dung Quất 2 đi vào hoạt động. Nhà máy này sẽ có tổng công suất 5,6 triệu tấn, với lò đầu tiên (2,8 triệu tấn) đi vào hoạt động trong quý 1/2025 và lò thứ hai vào quý 4/2025. Công suất này chiếm 34% tổng nhu cầu HRC hàng năm của cả nước.
Với việc áp dụng thuế chống bán phá giá, thị trường HRC của Việt Nam ít có khả năng đối mặt với tình trạng dư cung khi Dung Quất 2 đi vào hoạt động, giảm bớt áp lực về giá. Mặc dù SSI đã dự báo được sẽ có các biện pháp thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với HRC nhập khẩu, nhưng mức thuế áp dụng cao hơn và được thực hiện sớm hơn dự kiến.
Theo phân tích của Chứng khoán VPBank (VPBankS), mức thuế CBPG công bố cao hơn mức chênh lệch thường thấy của HRC Việt Nam và HRC Trung Quốc. Thông thường, giá bán HRC của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Formosa (FHS) luôn cao hơn giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc từ 15-45 USD/tấn (tương ứng với mức chênh lệch 2,9% – 9% so với giá HRC Trung Quốc).
Với mức thuế chống bán phá giá như trên, sản lượng tiêu thụ HRC tại thị trường nội địa của các doanh nghiệp như HPG, Formosa sẽ có động lực để tăng mạnh do sản lượng tiêu thụ HRC hàng năm của hai doanh nghiệp này mới chỉ đáp ứng được 39% nhu cầu hiện tại.
“Chúng tôi nhận thấy HPG sẽ là doanh nghiệp hưởng lợi nhiều nhất từ tin tức này khi doanh nghiệp chuẩn bị đưa phân kỳ 1 dự án Dung Quất 2 vào hoạt động thử nghiệm,” VPBankS nhận định.
Phân kỳ 1 dự án Dung Quất 2 sẽ giúp HPG năng công suất sản xuất HRC lên mức 6,8 triệu tấn/năm, tăng 70% so với công suất sản xuất HRC hiện tại.
Doanh nghiệp tôn mạ chịu tác động tiêu cực
Mặt khác, đối với các doanh nghiệp sản xuất thép mạ kẽm như Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG), Thép Nam Kim (NKG)… phụ thuộc vào HRC nhập khẩu như sẽ chịu tác động tiêu cực.
Việc tìm nguồn cung HRC từ trong nước hoặc Ấn Độ (HRC từ Ấn Độ chưa bị áp thuế chống bán phá giá) hoặc các nguồn khác như Malaysia, Indonesia… sẽ là một lựa chọn tốt để giảm thiểu tác động tổng thể.
Thực tế, nhóm các công ty này đã chủ động giảm thiểu rủi ro bằng cách đa dạng hóa nguồn HRC đầu vào. Từ báo cáo tài chính quý 4/2024, VPBankS nhận thấy các doanh nghiệp đang ghi nhận giá trị tồn kho nguyên vật liệu cùng hàng mua đi đường ở mức cao hơn so với trung bình, cho thấy dấu hiệu tích trữ trước HRC đầu vào trước khi quyết định CBPG được công bố.
Vì vậy trong ngắn hạn, tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp như HSG, NKG sẽ không đáng kể. Trong dài hạn, các doanh nghiệp tôn mạ sẽ phải chấp nhận sử dụng HRC nội địa hoặc nhập khẩu từ những nguồn khác Trung Quốc với giá HRC cao hơn giá HRC Trung Quốc.
Theo nhận định của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), thị trường bất động sản trong nước sau nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ và mặt bằng lãi suất thấp đã có dấu hiệu phục hồi đáng kể so với giai đoạn đóng băng trước đó. Nhờ đó, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm thép nội địa có mức hồi phục tương ứng khá tốt trong quý 4/2024.
Điểm tích cực nữa đến từ việc thép HRC Trung Quốc đã có dấu hiệu giảm xuất khẩu vào Việt Nam trong trong tháng 1/2025. Cụ thể, mức xuất khẩu thép vào Việt Nam chỉ đạt 537.000 tấn, giảm so với mặt bằng 800.000 đến 1 triệu tấn thép mỗi tháng trước đó. Điều này giúp cho sản lượng tiêu thụ HRC nội địa khởi sắc trong bối cảnh xuất khẩu hụt hơi.
Về xuất khẩu và giá thép, VCBS nhận định, triển vọng lãi suất hạ trên toàn thế giới giúp kích thích thị trường nhà ở tại các quốc gia đối tác chủ lực của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, ASEAN. Điều này tiếp tục là bàn đạp cho thị trường xuất khẩu thép thuận lợi và duy trì được mức sản lượng tốt trong các quý tiếp theo.
Ngoài ra, yếu tố thay đổi lớn còn tới từ nhu cầu thép toàn thế giới khi Trung Quốc có biện pháp kích thích thị trường bất động sản sau đại dịch. VCBS cho rằng, nhu cầu cho ngành thép Trung Quốc đã tạo đáy và có nhiều động lực phục hồi, qua đó kích thích giá thép tăng trong năm tới.
”Việc áp dụng thuế sơ bộ đối với HRC phù hợp với xu hướng bảo hộ toàn cầu hiện nay đối với các ngành công nghiệp chủ chốt trong nước như sản xuất chip hoặc thép, đây là một động lực tích cực lâu dài cho đầu tư trong nước vào các ngành công nghiệp này. Điều này có thể mang lại một kịch bản định giá lại tiềm năng cho ngành, mặc dù có thể không xảy ra ngay lập tức, vì các nhà đầu tư cần thời gian để thẩm thấu tin tức và đánh giá toàn bộ tác động của sự phát triển này.” báo cáo của SSI nhấn mạnh.
Nguồn: https://baodaknong.vn/tin-hieu-tich-cuc-cho-doanh-nghiep-san-xuat-thep-hrc-noi-dia-243719.html