Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; thiết lập gói tín dụng hỗ trợ người trẻ (dưới 35 tuổi) mua nhà.
Không bỏ quên những vùng khó khăn
Ngày 21.2, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Chính phủ với các địa phương về tăng trưởng kinh tế.
Theo Cổng thông tin Chính phủ, phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ đặt vấn đề “chúng ta có khả năng để làm, có tự tin để làm và có dám làm không” trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong những năm tới.
Thủ tướng Chính phủ nhắc lại, sau gần 40 năm đổi mới, đi lên từ nghèo khó, đổ nát của chiến tranh, bị bao vây, cấm vận, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Thủ tướng nhận định: “Chúng ta thấy có đủ tự tin, đủ điều kiện, đủ năng lực để quyết tâm đạt tăng trưởng 8% trở lên, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng 2 con số trong những năm tới”.
Về quan điểm chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng Chính phủ nhấnh mạnh cần phát huy các vùng động lực tăng trưởng gồm Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng (12 địa phương trong 2 vùng này đóng góp 60% GDP), các cực tăng trưởng như Hà Nội và TPHCM (Hà Nội đóng góp 13,2% GDP, 25% thu ngân sách của cả nước, TPHCM đóng góp 17,9%, 25% thu ngân sách cả nước).
Đồng thời, không bỏ quên những vùng khó khăn. Các vùng còn lại phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để đi lên.
Thủ tướng lấy ví dụ, lợi thế của Tây Nam Bộ là lúa gạo, thủy hải sản; miền núi phía Bắc là rừng; duyên hải miền Trung là biển, Tây Nguyên là các cây công nghiệp. Phân tích thêm về phát triển kinh tế nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng phải ổn định thị trường, nâng cao chất lượng, giữ vững chữ tín, nhất là trong lúc khó khăn.
Gỡ ngay điểm nghẽn với thị trường bất động sản, trái phiếu
Chi tiết về các giải pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Tại đây, đẩy mạnh đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Trong đó, tổng số vốn đầu tư công 2025 là 826.000 tỷ đồng, đã phân bổ 741.100 tỷ đồng, còn lại chưa phân bổ 84.800 tỷ đồng. Thủ tướng yêu cầu dứt khoát phải phân bổ ngay trong quý I/2025, nếu chưa xong thì kiên quyết thu hồi, điều chuyển cho nơi khác.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu, tập trung thực hiện, sớm hoàn thành các công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia. Phấn đấu vượt mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển vào cuối năm 2025. Cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài; khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu…
Thủ tướng cũng yêu cầu phải tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thuận lợi, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế; tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, thúc đẩy các dự án FDI lớn đi vào hoạt động…
Về tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, có chính sách visa phù hợp để thu hút khách du lịch, thu hút các chuyên gia, người tài giỏi, tỷ phú thế giới vào Việt Nam…
Cùng với phấn đấu cho mục tiêu tăng trưởng trên 8%, Thủ tướng cũng yêu cầu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, xử lý nghiêm các ngân hàng không chấp hành sự quản lý, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
“Thiết lập gói tín dụng hỗ trợ người trẻ (dưới 35 tuổi) mua nhà, thúc đẩy mạnh tín dụng nhà ở xã hội”, Thủ tướng yêu cầu.
Giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí. Các bộ tập trung tháo gỡ ngay các điểm nghẽn đối với thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…
Tập trung cấp tín dụng cho người có nhu cầu mua nhà
Liên quan đến vấn đề tín dụng cho bất động sản, trước đó cho ý kiến tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản của hệ thống hiện nay 3,48 triệu tỷ đồng nhưng rất nhiều dự án đang gặp khó khăn. Nếu tháo gỡ sẽ giúp cho dòng tiền quay trở lại ngân hàng, sẽ lưu thông dòng tiền, hiệu quả hơn trong hoạt động tín dụng.
Đối với tín dụng nhà ở, ngành ngân hàng rất quyết liệt dành nguồn lực tài chính của hệ thống, tuy nhiên với 120.000 tỷ đồng giải ngân hạn chế, chúng tôi cũng phân tích đánh giá đã là người dân có thu nhập thấp rồi thì không phải ai cũng có mong muốn đi vay để sở hữu một cái nhà.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương đánh giá nhu cầu sở hữu nhà ở, thuê hoặc thuê mua để có các giải pháp phù hợp.
“Về phía ngành ngân hàng, chúng tôi cũng sẽ tập trung cấp tín dụng đối với người dân có thu nhập thấp có nhu cầu mua, sở hữu nhà ở và đáp ứng đủ điều kiện vay vốn của ngân hàng”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Với vấn đề tỷ giá, Thống đốc cho biết tỷ giá cốt lõi là cung cầu ngoại tệ. Hiện nay tỷ giá đang chịu áp lực, kể cả chính quyền Trump mới có chính sách về thuế hay vấn đề thao túng tiền tệ.
“Cái này Chính phủ đã có chỉ đạo các bộ, ngành cần có giải pháp để hài hòa hóa thương mại với các đối tác lớn để làm sao chúng ta không vào danh sách chịu áp thuế”, bà Hồng cho biết.
Nguồn: https://baodaknong.vn/nong-thu-tuong-yeu-cau-thiet-lap-ngay-goi-tin-dung-ho-tro-nguoi-tre-duoi-35-tuoi-so-huu-nha-o-243530.html