Theo quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Chư Păh được xác định sẽ phát triển công nghiệp chế biến gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp; vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch hướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm riêng của huyện.
Để đẩy nhanh phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện ủy Chư Păh đã xây dựng Đề án về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặt mục tiêu tạo ra nguồn nguyên liệu tập trung; các doanh nghiệp liên kết với hộ nông dân thông qua hợp tác xã thực hiện việc tổ chức sản xuất các sản phẩm: Cà-phê, rau, củ, quả và cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng quy trình sản xuất khép kín, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Huyện Chư Păh có 8.400 ha cà-phê, 5.100 ha cao su, 2.750 ha bời lời, 550 ha sầu riêng, 670 ha rau các loại, 500 ha chanh dây, hơn 4.158 ha lúa, 148 ha bơ, 100 ha mít, 100 ha chuối… Để nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác, lãnh đạo huyện Chư Păh xác định cần đẩy mạnh khuyến khích các hợp tác xã và người dân dần chuyển đổi sản xuất theo hướng công nghệ cao. Toàn huyện có chín Hợp tác xã và năm Tổ hợp tác; các hợp tác xã và tổ hợp tác của huyện đang tập hợp, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người nông dân, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản.
Qua hơn ba năm thực hiện Đề án Phát triển công nghệ cao, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Păh đã triển khai nhiều mô hình phát triển như: mô hình sản xuất dưa lưới; sản xuất cây ăn quả, rau ăn lá các loại; sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu; tưới tiết kiệm nước cho cây sầu riêng xen canh; nuôi cá lồng trong lòng hồ; chuyển đổi giống lúa năng suất thấp sang các giống lúa có năng suất, chất lượng cao… góp phần vào phát triển kinh tế của địa phương, ổn định đời sống-xã hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chư Păh Phạm Minh Phụng cho biết: Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025 đã đạt nhiều kết quả tích cực, giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và cải thiện đời sống người nông dân. Huyện tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, sử dụng các loại giống lai, giống mới đưa vào sản xuất đại trà đã góp phần làm tăng năng suất, sản lượng thu hoạch; mở rộng áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhất là ở các khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch đã góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất. Tập trung phát triển các diện tích cây ăn quả, cây dược liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất bằng việc sử dụng các giống mới cho năng suất cao, sử dụng các công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm, trồng trong nhà lưới, nhà màng… Đến nay, có hơn 3.124 ha cây trồng các loại ứng dụng hệ thống tiên tiến tiết kiệm nước như (cà-phê, sầu riêng, chè, chanh leo, khoai lang,…) được ứng dụng công nghệ tiên tiến, (chiếm 10% tổng diện tích gieo trồng .
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Văn Tấn chia sẻ: Trung tâm tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan và các xã, thị trấn triển khai thực hiện Đề án phát triển công nghệ cao của huyện, trọng tâm là thu hút các doanh nghiệp liên kết đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhân rộng các mô hình đã phát huy hiệu quả để người dân học tập, áp dụng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản xuất theo hướng hàng hóa, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập. Khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm nông sản với người dân. Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cây ăn quả và các sản phẩm OCOP, sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại du lịch nông nghiệp. Năm 2025, Trung tâm tiếp tục triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao như: sản xuất rau ăn lá theo tiêu chuẩn VietGAP; chăm sóc cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả đang trong giai đoạn kinh doanh; ứng dụng công nghệ nhà màng, giá thể trồng dưa lưới. Hiện nay, diện tích cây công nghiệp dài ngày, cây rau màu và cây ăn quả các loại sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm công nghệ Wasi và Israel đã được nhân rộng trên địa bàn huyện lên đến 2.658 ha, gấp hơn 13 lần so với mục tiêu của đề án (200 ha). Cụ thể, cây cà-phê khoảng 1.472,2 ha (trong đó nhân dân tự lắp đặt 1.387,2 ha; Nhà nước hỗ trợ 5 ha); cây ăn quả các loại 1.059 ha; các loại cây trồng khác 126,8 ha…
Đến nay, huyện đã được cấp 17 mã số vùng trồng, bao gồm: tám mã cho sầu riêng (205,74 ha), bảy mã cho chanh dây (168,98 ha), hai mã cho chuối (52,55 ha) và ba mã cơ sở đóng gói chanh leo, chuối. Đến nay đã có 1.735 ha cây trồng các loại sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, trong đó có 635 ha có chứng nhận GAP (cây cà-phê 612 ha, cây ăn trái 35 ha), chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao giống mới trong sản xuất lúa cho 1.360 ha/4.970 hộ tham gia. Dự án được triển khai đã làm thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sử dụng nhiều chủng loại giống trên một cánh đồng sang sản xuất theo phương thức tập trung cánh đồng lúa một giống năng suất, chất lượng cao.
So với phương thức canh tác truyền thống các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giá trị sản xuất tăng thêm 2-3 lần và nhiều mô hình còn cao hơn nữa. Dự kiến tổng giá trị sản xuất ngành nông-lâm-thủy sản đến cuối nhiệm kỳ năm 2025 khoảng: 2.790,32 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai Lưu Trung Nghĩa cho biết: Huyện Chư Păh có lợi thế về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Huyện cũng có nhiều hợp tác xã, nông hội hoạt động hiệu quả, xây dựng được thương hiệu và tạo được dấu ấn trên thị trường nông sản. Những kết quả bước đầu về nông nghiệp công nghệ cao ở địa phương tuy còn khiêm tốn nhưng cần biểu dương tinh thần dám nghĩ, dám làm của người dân, doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn cần được khuyến khích, nhân rộng để biến tiềm năng, lợi thế thành cơ hội phát triển.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho giá trị kinh tế khoảng từ 300 đến 500 triệu đồng/ha. Trong khi đó, bình quân thu nhập trên 1 ha cây trồng hiện chỉ đạt khoảng 96 triệu đồng/ha. Ngoài hiệu quả về kinh tế, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn mang lại hiệu quả xã hội và hiệu quả môi trường to lớn. Đó là sẽ góp phần đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao trình độ thâm canh của người sản xuất, từng bước hình thành lực lượng công nhân nông nghiệp công nghệ cao; chuyển đổi tập quán canh tác theo lối công nghiệp, giảm sức lao động, phù hợp nền kinh tế thị trường; cung cấp sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn chất lượng cao cho người tiêu dùng; tạo thêm địa điểm tham quan du lịch tri thức; làm thay đổi nhận thức và tư duy của người nông dân, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người lao động, góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Đóng góp tích cực vào việc bảo vệ môi trường, hạn chế những tác động xấu do sản xuất nông nghiệp gây ra (tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt; chất thải chăn nuôi, mầm bệnh trong chăn nuôi, thủy sản), khai thác chất thải nông nghiệp thành phân bón hữu cơ bón cho cây cà-phê, cây ăn trái, rau, củ, quả…■
Nguồn: https://baodaknong.vn/xay-dung-thuong-hieu-nong-san-huyen-chu-pah-243296.html