Lâm Ðồng là nơi sinh sống lâu đời của bốn dân tộc thiểu số tại chỗ gồm: Cơ Ho, Mạ, Chu Ru, Mnông và 47 dân tộc anh em từ mọi miền đất nước về đây lập nghiệp.
Sự phong phú, độc đáo trong phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, kỹ thuật canh tác, nghệ thuật dân gian, văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống của các dân tộc anh em hội tụ làm cho Lâm Ðồng trở thành vùng đất giàu bản sắc. Ðáng chú ý, gần đây, việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tại Lâm Ðồng đang được quan tâm thực hiện.
Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Ðồng tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ khoa học, công nghệ nhằm bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số Lâm Ðồng. Các nhiệm vụ khoa học-công nghệ tập trung nghiên cứu, bảo tồn: Các làng nghề truyền thống của các dân tộc gốc Tây Nguyên; các di sản văn hóa truyền thống, phục hồi và phát huy giá trị hoa văn trang trí của các dân tộc; ứng dụng công nghệ 4.0 để hỗ trợ quản lý, bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị của các hiện vật, di tích, bảo tàng… Với sự phong phú, độc đáo về văn hóa của cộng đồng các dân tộc, kết quả các nghiên cứu đạt được trở thành một trong những nỗ lực quan trọng quảng bá văn hóa, du lịch địa phương.
Trong đó, đề tài “Nghiên cứu giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Cát Tiên-Lâm Ðồng” đã đề ra các giải pháp kỹ thuật bảo tồn di tích, phục chế số hóa, tái hiện một số lễ hội và mạnh dạn đưa ra những giải pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ, phục dựng các công trình kiến trúc mà phần lớn là phế tích bằng các phương pháp nghiên cứu so sánh, số hóa, phục dựng, phác họa mô hình 3D, đặt ra vấn đề ứng dụng công nghệ 4.0 trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử.
Ðề tài “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong xây dựng Bộ dư địa chí các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Ðồng”, xây dựng Danh mục số hóa hệ thống di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số trong tỉnh; xây dựng hệ thống phần mềm quản lý, có mã định danh, loại hình, dân tộc, khu vực địa lý phổ biến, nguồn gốc, lịch sử cư trú, văn hóa, phong tục tiêu biểu…
Trong xu thế chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vấn đề ứng dụng công nghệ vào bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa được đặt ra và đòi hỏi sớm được ứng dụng thực tế. Việc nghiên cứu áp dụng công nghệ mới vào xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa 3D và xây dựng di tích, bảo tàng ảo khi được triển khai hiệu quả sẽ góp phần bảo tồn giá trị văn hóa bản địa, đồng thời giúp người dân và du khách dễ dàng tiếp cận hơn với bản sắc các dân tộc tỉnh Lâm Ðồng.
Nguồn: https://baodaknong.vn/ung-dung-cong-nghe-de-bao-ton-phat-huy-cac-gia-tri-van-hoa-242643.html