Thị trường cao su ghi nhận sự sụt giảm ở cả Nhật Bản và Thái Lan. Trong đó, giá cao su Nhật Bản đã giảm ba phiên liên tiếp. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 2 triệu tấn cao su trong năm 2024, giảm 6,2% so với năm 2023. Tuy nhiên, do giá duy trì ở mức cao nên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vẫn tăng mạnh 18,2% và đạt mức kỷ lục hơn 3,4 tỷ USD.
Giá cao su thế giới
Đóng cửa phiên giao dịch 5/2, giá cao su RSS3 kỳ hạn tháng 3/2025 tại Sở Giao dịch Tocom (Tokyo) Nhật Bản giảm 0,32% (1,2 yen/kg) về mức 373,8 yen/kg, ghi nhận ba phiên giảm liên tiếp kể từ sau thông tin Mỹ muốn áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc.
Tương tự ở Thái Lan, mức giảm hôm qua có thu hẹp so với trước đó nhưng giá cao su kỳ hạn tháng 3 vẫn ghi nhận mức 83,44 baht/kg, tương ứng giảm 0,4% (0,36 baht/kg).
Tại Trung Quốc, giá cao su đảo chiều tăng nhẹ 0,12% (20 CNY/tấn) lên mức 17.100 CNY/tấn – ghi nhận phiên tăng đầu tiên sau khi đóng cửa nghỉ Tết.
Theo hãng tin Reuters, Bộ Tài Chính Trung Quốc đã thông báo sẽ áp thuế 15% đối với than và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ và 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp cùng một số ô tô nhập khẩu từ Mỹ, sau khi Mỹ công bố việc áp 10% thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Trung Quốc cho biết, mức thuế quan mới sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 10/2/2025.
Theo công ty Malacca Security Sdn Bhd tại Malaysia, việc Mỹ áp thuế bổ sung 10% đối với găng tay y tế bằng cao su xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ dự kiến sẽ tác động tới thị trường của các hãng găng tay nội địa, theo Brecorder.
Doanh số bán xe có thể ảnh hưởng đến hiệu suất sản xuất ô tô do liên quan đến việc sử dụng lốp từ cao su. Để đối phó với thuế quan, đề xuất ban đầu của Trung Quốc sẽ tập trung vào việc khôi phục thỏa thuận thương mại Giai đoạn I được ký kết vào năm 2020 trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo The Wall Street Journal. Trong khi đó, các cổ phiếu Trung Quốc giao dịch ở thị trường chứng khoán Hong Kong đều sụt giảm trong phiên 4/2, còn đồng nhân dân tệ (CNY) tiếp tục giảm xuống mức thấp kỷ lục do lo ngại về cuộc chiến thương mại.
Tại Thái Lan, gió mùa đông bắc trên Vịnh Thái Lan và miền nam đang tăng cường, từ ngày 4-9/2 thời tiết sẽ mưa nhiều hơn, theo cơ quan khí tượng quốc gia.
Giá cao su trong nước
Trong nước, các doanh nghiệp vẫn giữ giá cao su bình ổn. Cụ thể, Công ty Cao su Phú Riềng giữ nguyên giá thu mua mủ tạp ở mức 400 đồng/DRC, mủ nước là 440 đồng/TSC, giảm 5 đồng/TSC/DRC.
Tại Công ty Cao su Bà Rịa, báo giá thu mua mủ nước ổn định ở mức 409 đồng/độ TSC/kg; mủ đông DRC (35 – 44%) là 14.700 đồng/kg; mủ nguyên liệu dao động từ 18.200 – 19.600 đồng/kg.
Còn tại Công ty Cao su Mang Yang, giá thu mua mủ nước ổn định trong khoảng 434 – 438 đồng/TSC, mủ đông tạp từ 387 – 441 đồng/DRC.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 2 triệu tấn cao su trong năm 2024, giảm 6,2% so với năm 2023. Tuy nhiên, do giá duy trì ở mức cao nên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vẫn tăng mạnh 18,2% và đạt mức kỷ lục hơn 3,4 tỷ USD.
Giá cao su xuất khẩu bình quân năm 2024 đạt 1.701 USD/tấn, mức cao nhất ghi nhận được trong hơn 10 năm qua, tăng 26% (tương ứng tăng 351 USD/tấn) so với năm 2023. Đà tăng giá này được thúc đẩy bởi sự thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, thời tiết bất lợi tại các nước sản xuất chính.
Hoạt động xuất khẩu cao su của Việt Nam trong năm vừa qua đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, mặc dù trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh. Năm 2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 1,45 triệu tấn, trị giá 2,44 tỷ USD, giảm 15,1% về lượng, nhưng tăng 7,6% về trị giá so với năm 2023. Thị trường này chiếm 72,1% trong tổng khối lượng cao su xuất khẩu của nước ta.
Nhu cầu nhập khẩu cao su của Trung Quốc giảm trong thời gian qua chủ yếu là do giá mặt hàng này tăng cao, trong khi tồn kho trong nước dồi dào và nhu cầu tiêu dùng chậm lại do tăng trưởng kinh tế trì trệ.
Ngược lại, xuất khẩu cao su sang thị trường đứng thứ hai là Ấn Độ tăng 8,7% về lượng và 35,2% về trị giá so với năm 2023. Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường lớn thứ 3 là Hàn Quốc cũng giảm 15,5% về lượng nhưng tăng 5,1% về giá trị.
Các doanh nghiệp cũng mở rộng xuất khẩu sang nhiều thị trường khác như Đức, Hoa Kỳ, Đài Loan, Nga, Indonesia… Đặc biệt, lượng cao su xuất khẩu sang thị trường Malaysia tăng tới 433% so với năm 2023, đạt 38.442 tấn, kim ngạch tăng 516% đạt 56,2 triệu USD. Riêng tháng 12, lượng nhập khẩu vọt lên hơn 8.000 tấn, mức cao nhất kể từ đầu năm. Thị phần theo lượng của thị trường này tăng từ 0,3% năm 2023 vọt lên 1,9% năm 2024.
Giá xuất khẩu bình quân sang Malaysia đạt 1.462 USD/tấn, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Dù vậy, đây vẫn là mức giá thấp nhất trong top 10 thị trường xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024.
Năm 2024 cũng chứng kiến lượng cao su xuất khẩu sang thị trường EU tăng tới 29%, trong bối cảnh các nhà nhập khẩu châu Âu tăng cường nhập khẩu trước khi Quy định chống phá rừng (EUDR) dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, sau đó Quy định này đã được tạm hoãn thực hiện trong vòng 1 năm.
Về triển vọng năm 2025, xuất khẩu cao su của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng do nhu cầu của Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi trở lại. Trong khi đó, nguồn cung toàn cầu dự kiến vẫn thắt chặt. Dữ liệu t ANRPC cho thấy, sản lượng cao su tại các quốc gia sản xuất chính trong khu vực Đông Nam Á có xu hướng giảm trong những năm gần đây.
Sản lượng cao su tự nhiên của Thái Lan trong giai đoạn 2019-2024 đã giảm từ 4,85 triệu tấn xuống còn 4,7 triệu tấn. Tương tự, sản lượng ở Indonesia đã giảm từ 3,3 triệu tấn xuống còn 2,5 triệu tấn và sản lượng ở Malaysia từ 640.000 xuống còn 340.000 tấn trong cùng giai đoạn. Sự suy giảm sản lượng này có thể sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, đẩy giá lên cao hơn trong những năm tới.
Nguồn: https://baodaknong.vn/gia-cao-su-hom-nay-6-2-giam-phien-lien-thu-3-lien-tiep-tren-thi-truong-nhat-ban-242006.html