Tại khu vực Tây Nguyên, nơi sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất trong nền kinh tế, hệ thống khuyến nông đã có những đóng góp rất tích cực và quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó, có sự đóng góp của mô hình tổ khuyến nông cộng đồng.
Cùng với hệ thống khuyến nông chuyên trách, khuyến nông cộng đồng đã thể hiện rõ nét vai trò cầu nối giữa Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông triển khai cơ chế, chính sách phù hợp, tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh liên thông với thị trường.
Tây Nguyên là một trong những vùng không ngừng áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao giá trị đa dạng các loại nông sản trên địa bàn. Có được kết quả này phải kể đến đóng góp của lực lượng khuyến nông nói chung, tổ khuyến nông cộng đồng nói riêng, đã luôn đồng hành, sát cánh cùng nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ.
Tính riêng tỉnh Lâm Đồng đã có 6 huyện thành lập 44 tổ khuyến nông cộng đồng với 465 thành viên gồm cán bộ khuyến nông, thú y, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, trưởng thôn, giám đốc hợp tác xã, nhân viên trồng trọt và bảo vệ thực vật, nông dân sản xuất giỏi…
Hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng được ghi nhận qua những kết quả tích cực hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đồng thời phối hợp, hỗ trợ cơ quan, đơn vị quản lý chuyên ngành tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, chương trình chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật nông nghiệp và công nghệ, tổ chức quản lý sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hiệu quả và bền vững.
Ngoài ra, tổ khuyến nông cộng đồng còn tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, bảo tồn và phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống; dịch vụ kỹ thuật và vật tư nông, lâm, thủy sản; hỗ trợ giống, vật tư, thiết bị nông nghiệp, bảo vệ thực vật, thú y, cơ giới hóa nông nghiệp, sau thu hoạch. Đây còn là cầu nối kết nối chuỗi giá trị gia tăng liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ nông sản; tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn…
Các tổ khuyến nông cộng đồng được xem như cánh tay nối dài của lực lượng khuyến nông chuyên trách, là lực lượng tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên với nông dân, doanh nghiệp tại cơ sở. Vì vậy, tổ khuyến nông cộng đồng hiện nay hết sức quan trọng, cần được phát triển, nhân rộng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất ngày càng cao trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
Nguồn: https://baodaknong.vn/vai-tro-to-khuyen-nong-cong-dong-241966.html