Bao đời nay, những tộc người anh em đã tạo dựng nên lịch sử của vùng đất đại ngàn Tây Nguyên. Đó là niềm kiêu hãnh của sự bền gan, vững chí trong những cuộc trường chinh vệ quốc.
Đó là trang sử được viết tiếp hôm nay khi Tây Nguyên đang vững vàng cùng cả nước kiến tạo một kỷ nguyên mới. Trên vùng đất lắm núi nhiều sông này, mạch nguồn của truyền thống anh hùng, bất khuất, của nghĩa tình keo sơn, của một lòng sắt son với Đảng, với Bác Hồ kính yêu vẫn hiện hữu sống động từng phút, từng giờ…
1 Mỗi lần về với buôn làng, trong lòng tôi lại ngân nga giai điệu bài hát “Đảng lam gùng” (Đảng dẫn đường) – một bài hát có từ thời chiến tranh, rất phổ biến trong vùng đồng bào dân tộc Cơ Ho, Mạ và XTiêng. Tôi đã thuộc bài hát này từ lần đầu được nghe ông K’Mùng, một cựu du kích Cơ Ho, hát cho nghe. “Tus năm dô anh ủng hộ cách mạng.
Tus năm dô anh geh Đảng lam gùng. Rgùn kon cau anh srới Mỹ-Diệm…” (Từ năm này tôi ủng hộ cách mạng. Từ năm này tôi có Đảng dẫn đường. Tập hợp Kinh-Thượng tôi đánh thắng Mỹ-Diệm…), lời ca giản dị, khi ngân lên là vẽ ra không gian quá khứ qua biểu cảm của những người con núi rừng, khiến người nghe hiểu thêm về mạch nguồn cách mạng Tây Nguyên. Xuyên suốt nguồn mạch ấy là tình cảm nồng ấm, thủy chung của đồng bào các dân tộc anh em trên miền đại ngàn hùng vĩ phía tây Tổ quốc với Đảng, với Bác Hồ.
Nghe bài hát “Đảng lam gùng” càng nhớ lại trang sử đại ngàn không thể nhạt phai vì được viết lên bằng máu và nước mắt của những hậu duệ của dũng sĩ Đam San huyền thoại.
Lịch sử và chứng tích về những địa danh, những vị anh hùng đã dẫn dắt phong trào chống giặc Pháp từng làm cho thực dân nhiều phen thất điên bát đảo như các cuộc nổi dậy của tù trưởng Ama Jhao, N’Trang Gưh, thầy giáo Y Jút (Ê Đê); vua lửa Ôi Ất (Gia Rai), phong trào Săm Brăm (Chăm), phong trào Mọ Cọ (Cơ Ho).
Đặc biệt là cuộc khởi nghĩa vũ trang do anh hùng N’Trang Lơng (Mơ Nông) lãnh đạo, trở thành ngọn lửa yêu nước cháy bùng khắp mọi miền Tây Nguyên một thuở. Nhưng cũng như nhiều phong trào yêu nước khác trong cả nước, vào thời kỳ ấy, tất cả các cuộc nổi dậy tự phát ở Tây Nguyên đều thất bại.
Cho đến khi có ánh sáng của Đảng do các chiến sĩ cộng sản kiên trung mang về, Tây Nguyên mới thật sự bừng lên. Sức mạnh bất khuất của những giấc mơ đấu tranh, chinh phục của các tộc người anh em đã được những “người của Đảng” thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng.
Tây Nguyên cùng đất nước đứng lên, đồng bào các dân tộc anh em trên xứ sở đại ngàn đã kề vai sát cánh với cả dân tộc chiến đấu chống lại kẻ thù thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai cho đến ngày chiến thắng…
2 Khi nghĩ về “người của Đảng”, tôi thường nhớ về hai người phụ nữ dân tộc thiểu số kiên trung mà trong hành trình tác nghiệp, người làm báo Đảng đã được may mắn kết giao với họ. Hình ảnh của họ, chiến công của họ trong quá khứ và từng suy nghĩ, việc làm của họ ngày hôm nay đã khắc sâu minh chứng về một Tây Nguyên bất khuất mà dung dị, sâu thẳm mà gần gũi. Thật hữu duyên, cả hai người phụ nữ ấy từng là đại biểu Quốc hội.
Ở vùng nam Tây Nguyên, nơi đầu nguồn con nước Đồng Nai, tôi đã gặp bà Điểu Thị Lôi, người dân tộc Mạ mà đồng chí, đồng bào thân thương gọi là “chị Năm Lôi”, người được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 2 và đứng trong hàng ngũ của Đảng từ năm 18 tuổi. Bà Năm Lôi là Đại biểu Quốc hội khóa VI. Trong kháng chiến, bà Năm Lôi từng tham gia không biết bao nhiêu trận đánh, mang trên mình nhiều di chứng chiến tranh, nhưng người phụ nữ nổi tiếng với những chiến công quả cảm tôi gặp hôm nay vẫn nở nụ cười.
Bà Năm Lôi kể, khoảng cuối những năm 60 của thế kỷ 20, làng buôn của bà là vùng hoạt động của Khu ủy Khu VI cho nên giặc Mỹ-ngụy luôn tổ chức càn quét, hòng tiêu diệt. Đảng viên, cựu du kích Điểu Thị Lôi đã cùng bộ đội, du kích, đồng bào buôn làng kiên cường chiến đấu hàng chục năm ròng rã cho đến ngày chiến thắng.
Câu chuyện của bà Điểu Thị Lôi về một thời binh lửa vẫn tươi mới dù hòa bình đã trở về trên quê hương gần nửa thế kỷ. Bà nói: “Chúng tôi từng cầm súng, vót chông giữ lấy buôn làng, những người trẻ hôm nay sẽ tiếp tục gánh vác trách nhiệm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, đồng bào ấm no, hạnh phúc. Các tộc người Tây Nguyên một lòng kính yêu Bác Hồ, vững niềm tin theo Đảng thì không có khó khăn nào mà không thể vượt qua!”.
Ở vùng bắc Tây Nguyên, tôi được ngồi nghe chuyện cuộc đời của nữ già làng Y Pan, một đảng viên gạo cội người dân tộc Brâu. Bà Y Pan đã có tuổi hơn chín mươi mùa rẫy nhưng vẫn giữ vai trò cốt cán trong chi bộ, trong buôn làng, là nữ già làng của tộc người Brâu ở buôn Đắk Mế (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum).
Nữ già làng Y Pan kể cho tôi nghe về hành trình hoạt động cách mạng của hai vợ chồng bà. Đó là hành trình bền bỉ, lâu dài, một lòng theo cách mạng, theo lý tưởng cao quý của cuộc đời. Bà kể, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, buôn Đăk Mế ở địa bàn chiến lược của ngã ba Đông Dương, bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau mỗi trận địch càn quét. Bố mẹ của Y Pan mất trong một trận ném bom của địch.
Mồ côi cả cha lẫn mẹ khi vừa tròn 4 tuổi, Y Pan được một đơn vị bộ đội nuôi dưỡng. Lớn lên, bà tham gia hoạt động cách mạng. Thấy bà sáng dạ cho nên tổ chức đã cho Y Pan tập kết ra bắc để học ngành Y. Năm 1974, bà trở về phục vụ cuộc kháng chiến tại chiến trường Tây Nguyên; chồng bà đã về miền nam chiến đấu trước đó.
Già Y Pan nhớ lại: “Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, người Brâu đã cùng đoàn kết giúp bộ đội ra chiến trường, gùi bom đạn, lương thực xuyên qua những cánh rừng biên giới. Ngày ấy nhiều người bị thương lắm, từ những kiến thức được học, già đã chữa trị vết thương cho hàng trăm bộ đội, người dân ở vùng biên giới Ngọc Hồi”. Già Y Pan đã kể tôi nghe về dân tộc của bà, câu chuyện sinh tồn và văn hóa của một tộc người chỉ có 322 nhân khẩu.
Hôm nay, nữ già làng, cựu chiến binh Y Pan là đại diện cho những người Brâu tiên tiến. Bà trở thành chỗ dựa của buôn làng, là cầu nối cho các gia đình, các dân tộc cùng sinh sống đoàn kết, dựng xây, phát triển quê hương.
Y Pan là một đảng viên, trí thức, một người Brâu chân chính khi góp sức cùng đồng chí, đồng đội vận động đồng bào mình thay đổi tư duy phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, bài trừ các tập quán, hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh, đoàn kết, không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục…
Từ câu chuyện cuộc đời của những nữ đảng viên lão thành như bà Điểu Thị Lôi và bà Y Pan, tôi cảm nhận truyền thống anh hùng vẫn được đắp bồi như dòng sông Đồng Nai mãi chảy, lớp sóng sau nối dồn muôn sóng trước, như đỉnh Ngók Linh vời vợi, phong nhiêu và vững chãi, kiên trung.
3 Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh, song chưa phát triển tương xứng. Vùng đất được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương” đang có vận hội mới để phát triển mạnh mẽ, khi Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị được triển khai hiệu quả sẽ kích hoạt tiềm năng và các nguồn lực đầu tư vào vùng đất này.
Suốt mấy thập niên qua, bước chân chúng tôi đã về với nhiều buôn làng, trải nhiều cánh rừng, ngọn núi trong hành trình của người làm báo Đảng. Càng trải nghiệm và đắm mình trong đời sống muôn màu Tây Nguyên, càng cảm nhận sâu sắc về sự đổi thay kỳ diệu nơi vùng đất tươi đẹp này.
Mỗi ngọn núi, dòng sông, con suối, mỗi dân tộc anh em, mỗi buôn làng trên đại ngàn Tây Nguyên đều hiện hữu sinh động lòng biết ơn Bác Hồ, thấm đẫm nghĩa tình với Đảng. Tình cảm sắt son và thủy chung ấy được xây dựng, vun đắp bền bỉ qua biết bao năm tháng, từ trong máu lửa đấu tranh đến ngày kiến thiết, dựng xây trong thời hòa bình.
Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều nghị quyết, tổ chức nhiều chương trình và đầu tư những nguồn lực lớn để phát triển Tây Nguyên. Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn và là nhiệm vụ xuyên suốt, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước.
Mục tiêu phát triển Tây Nguyên được Thủ tướng Phạm Minh Chính đúc kết trong các yếu tố: “đột phá, bao trùm, toàn diện và bền vững”. Theo đó, Tây Nguyên phải tự lực tự cường, đi lên bằng bàn tay, khối óc và khung trời, mảnh đất của mình; lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, đột phá và chiến lược lâu dài là quyết định.
Trước mắt, Đảng và Nhà nước đang chỉ đạo các ngành chức năng hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách đặc thù cho Tây Nguyên; đồng thời, tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển văn hóa gắn với du lịch và kinh tế đêm; phát triển bao trùm, toàn diện, bền vững xuất phát từ bài toán quy hoạch có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược…
Nguồn: https://baodaknong.vn/nguoi-tay-nguyen-mot-long-theo-dang-241631.html