Tổ du lịch cộng đồng Jôk Nâm Nung
Được ra mắt từ tháng 8/2022, tổ du lịch cộng đồng Jôk Nâm Nung, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô là nơi quảng bá, giới thiệu những nét sinh hoạt, văn hóa đặc sắc của người M’nông.
Với hai bon tham gia chính là Ja Ráh và Jôk Ju, ban đầu tổ có 26 thành viên, sau tăng lên hơn 40 thành viên. Là hình thức du lịch cộng đồng, ở đây, tất cả đều được phân công nhiệm vụ rất rõ ràng theo từng tổ: tổ cồng chiêng, tổ dệt thổ cẩm, tổ ẩm thực, tổ phục vụ… Dù mới thành lập chưa lâu nhưng du lịch cộng đồng Jôk Nâm Nung đã đón tiếp hàng ngàn lượt du khách.
Du khách đến với Jôk Nâm Nung không chỉ được trải nghiệm ở nhà sàn, thưởng thức hương vị ẩm thực truyền thống của đồng bào M’nông mà còn được hòa cùng nhịp chiêng, điệu múa, thưởng thức men cay rượu cần, trải nghiệm dệt thổ cẩm, đan lát và thưởng ngoạn vẻ đẹp của những con thác trong vùng. Những nét văn hóa tưởng chừng quen thuộc với bà con lại trở thành điều mới lạ, cuốn hút du khách gần xa.
Điều đặc biệt, trong số hơn 40 thành viên của tổ du lịch cộng đồng, ngoài những nghệ nhân lớn tuổi của các đội cồng chiêng, còn có khá đông các bạn trẻ nhiệt tình tham gia.
Em Y Nhuýt (SN 2005), bon Ja Ráh, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô đang tham gia lớp học đánh cồng chiêng do các nghệ nhân địa phương tổ chức. Với niềm đam mê văn hóa truyền thống từ nhỏ, Y Nhuýt đã tích cực học hỏi cách chơi cồng chiêng và tham gia vào nhóm du lịch cộng đồng của bon.
Em Y Nhuýt chia sẻ: “Được các nghệ nhân hướng dẫn và truyền dạy, em cảm thấy tự hào khi được góp phần giữ gìn nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Tham gia nhóm du lịch cộng đồng còn giúp em có cơ hội giới thiệu bản sắc văn hóa của đồng bào đến với du khách, đồng thời học hỏi thêm nhiều điều mới mẻ.”
Từ khi có tổ du lịch, bà con 2 bon đã thành lập thêm tổ hợp tác làm rượu cần, dệt thổ cẩm. Ngày thường, dù không có khách du lịch, nhiều người vẫn đan lát, dệt thổ cẩm hay ôn lại cồng chiêng để vừa giữ gìn truyền thống, vừa chuẩn bị tốt để đón các đoàn khách tiếp theo.
Dù thu nhập từ du lịch chưa đáng kể nhưng từ khi đón khách du lịch, bà con cũng dần nhận ra được những lợi ích của du lịch cộng đồng, chủ động hơn trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống, khôi phục các nghề thủ công, lớp trẻ cũng càng thêm hiểu và yêu quý văn hóa của dân tộc mình. Cũng từ đây, những giá trị văn hóa đặc sắc của bà con M’nông được lan tỏa, phát huy.
Phát huy giá trị bản sắc văn hóa DTTS phía Bắc
Ở các địa phương có đông đồng bào DTTS đến từ các tỉnh phía Bắc sinh sống đã xây dựng được các sản phẩm văn hóa đặc trưng, tạo cú hích để bà con phát triển văn hóa, du lịch.
Tại xã Nam Xuân đã thành lập được 10 CLB văn nghệ dân gian. Các CLB này thường xuyên tổ chức sinh hoạt, biểu diễn các điệu múa xòe, nhảy sạp, khua luống, hát khắp… của người Thái, hát sli, hát lượn của người Nùng.
Một số CLB còn nhận tour du lịch tham quan, kết hợp tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số tại thôn bản. Xã Nam Xuân đã trở thành điểm đến để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách gần xa.
Ông Phùng Xuân Thanh, Việt kiều Pháp, chia sẻ: “Ấn tượng nhất với tôi là màu sắc văn hóa đa dạng của các dân tộc ở đây. Nhân dịp về nước thăm thân tôi có cơ hội tham gia vào các hoạt động cộng đồng và cảm thấy rất vui. Đây thực sự là một ấn tượng sâu sắc về vùng đất, con người nơi đây, không chỉ bởi không khí thân thiện mà còn bởi sự giàu có về văn hóa truyền thống.”
Những năm trở lại đây, nhiều hoạt động văn hóa từ cộng đồng đã được các cấp chính quyền khuyến khích xây dựng thành sản phẩm du lịch của địa phương. Điển hình như: lễ hội Lồng tồng của người Tày, Nùng; lễ hội cúng lúa mới của người Thái ở xã Nam Xuân; lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y ở xã Nâm N’đir, lễ mừng cơm mới của người Tày ở xã Đắk Sôr.
Trong đó, lễ hội Lồng tồng được tổ chức hằng năm ở xã Nam Xuân thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham dự đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Thu nhập từ các hoạt động này có thể chưa nhiều nhưng cũng đã tạo thêm động lực để duy trì các CLB, giúp bà con và các nghệ nhân gắn bó hơn với việc giữ gìn văn hóa truyền thống.
Nỗ lực bảo tồn các giá trị văn hóa đồng bào DTTS
Với 24 dân tộc cùng sinh sống, Krông Nô là bức tranh đa sắc màu với kho tàng di sản văn hoá độc đáo của các dân tộc bản địa và những mảng màu mới lạ của các dân tộc phía Bắc di cư.
Cùng với nhịp sống hiện đại, nhiều nghệ nhân, người dân vẫn luôn tâm huyết với việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Hiện nay Krông Nô có khoảng 180 người còn sử dụng được cồng chiêng, 16 người biết chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc, 17 người biết và hát những làn điệu dân ca, hơn 100 người biết dệt thổ cẩm truyền thống, 15 nghệ nhân biết làm cây nêu truyền thống…
Nghệ nhân Y Xuyên, bon Ja Ráh, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô chia sẻ: “Tôi và các nghệ nhân trong bon luôn nỗ lực để giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, giúp các thế hệ sau hiểu và trân trọng hơn những di sản quý báu của dân tộc mình”.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I (từ năm 2021 đến 2025), huyện Krông Nô đã cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”.
Năm 2024, huyện Krông Nô đã tổ chức được 4 lớp truyền dạy kỹ năng bao gồm: đánh cồng chiêng nâng cao và dân ca M’nông, xã Nâm Nung; dệt thổ cẩm, hoa văn dệt thổ cẩm dân tộc Dao, xã Nâm N’đir; lớp đánh cồng chiêng nâng cao, phục dựng cây nêu dân tộc M’nông, xã Quảng Phú và đánh cồng chiêng nâng cao, đan lát dân tộc Ê đê, xã Quảng Phú.
Nhiều lớp truyền dạy cồng chiêng, chế tác nhạc cụ, hát dân ca, làm cây nêu và đan lát, dệt thổ cẩm cho đồng bào các dân tộc đã được tổ chức; nhiều nghi lễ, lễ hội được khôi phục.
Hàng năm, huyện đã tổ chức các cuộc thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc… đã tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện giao lưu, khơi dậy tinh thần tự hào, ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc, địa phương.
Ông Nguyễn Xuân Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho biết: “Mặc dù vẫn còn khá mới mẻ và chưa mang lại nhiều giá trị kinh tế như mong muốn nhưng việc phát triển du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào DTTS, tạo sinh kế bền vững cho bà con từ chính nét đẹp văn hóa, là chìa khóa để Krông Nô vừa khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, cảnh quan vừa giúp bà con gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống một cách bền vững”.
Nguồn: https://baodaknong.vn/krong-no-phat-trien-du-lich-gan-voi-bao-ton-van-hoa-truyen-thong-241118.html