Theo các chuyên gia và doanh nghiệp việc các địa phương ráo riết vào cuộc cũng như sự “mở cửa” của hàng loạt chính sách mới hứa hẹn sẽ mở ra nhiều triển vọng tích cực cho thị trường nhà ở xã hội trong năm 2025.
Địa phương “chạy đua” phát triển nhà ở xã hội
Báo cáo từ Bộ Xây dựng cho thấy, trong năm 2024 cả nước đã hoàn thành có 108 dự án với tổng cộng 47.532 căn nhà ở xã hội. Sang năm 2025, dựa trên số liệu các địa phương đăng ký, dự kiến cả nước có 135 dự án, với gần 101.900 căn.
Cụ thể, TP HCM có 21 doanh nghiệp đăng ký xây dựng 52.000 căn nhà ở xã hội tại quỹ đất tự tạo lập, cùng 8.000 căn từ 7 khu đất mời gọi đầu tư và 10.000 căn từ nguồn đầu tư công. Thành phố đặt mục tiêu đạt 70.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2030 và rút ngắn thủ tục hành chính, tạo lập quỹ đất cho phát triển phân khúc nhà ở này.
Hà Nội dự kiến có 11 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với gần 6.000 căn, tương đương 345.000 m2 sàn. 5 năm tới, thành phố đặt mục tiêu có thêm 50 dự án mới đăng ký, quy mô 57.200 căn.
Năm 2025, tỉnh Hải Dương sẽ khởi công xây dựng 7 dự án phát triển nhà ở xã hội, tương ứng với 4.515 căn hộ.
Cụ thể, trong quý I, Hải Dương sẽ khởi công 1 dự án phát triển NOXH (tương ứng 390 căn hộ). Quý II, khởi công xây dựng 1 dự án NOXH (tương ứng 1.479 căn hộ). Quý III, khởi công 2 dự án NOXH (tương ứng 1.730 căn hộ). Quý IV, khởi công 3 dự án xây dựng NOXH (tương đương 916 căn hộ).
Tỉnh Thanh Hóa cùng vừa công bố quyết định bố trí hàng chục khu đất để triển khai các dự án nhà ở xã hội trong năm 2025. Theo đó, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã thông qua Nghị quyết về việc quyết định danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.
Có tổng số 16 khu đất được bố trí để thực hiện các dự án và dự án NOXH. Trong đó, có 11 khu đất trên địa bàn TP Thanh Hóa; 2 khu đất trên địa bàn Thị xã Nghi Sơn; 2 khu đất trên địa bàn huyện Thọ Xuân và 1 khu đất trên địa bàn huyện Yên Định. 11 khu đất trên địa bàn TP Thanh Hóa để thực hiện các dự án gồm: Nhà ở xã hội tại phường Lam Sơn TP Thanh Hóa (diện tích 0,42 ha); Nhà ở xã hội ở phường Quảng Hưng (diện tích 0,97 ha); Khu nhà ở xã hội Lô A – TM3 Khu đô thị Đông Hương TP Thanh Hóa (diện tích 1,44 ha)… Có 2 khu đất của các dự án trên địa bàn thị xã Nghi Sơn, có 2 khu đất của các dự án trên địa bàn huyện Thọ Xuân và có 1 khu đất trên địa bàn huyện Yên Định.
Tương tự, nhiều địa phương cũng công bố kế hoạch phát triển phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp, như Đồng Nai sẽ khởi công, xây mới 8.800 căn trong năm nay.
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Huế cũng vừa công bố danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất và mời gọi nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án Khu nhà ở xã hội, phường Hương Sơ, thuộc quận Phú Xuân, TP Huế.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.771,8 tỷ đồng với diện tích sử dụng đất khoảng 40.351 m2, công suất thiết kế theo quy mô dân số khoảng 3.953 người (bình quân 2,5 người/căn).
Dự án có tổng số căn hộ dự kiến khoảng 1.581 căn (bình quân 50 m2/căn, trong đó diện tích tối đa 70 m2 và tối thiểu 45 m2). Diện tích sàn xây dựng (tối đa) 141.229 m2. Chiều cao công trình tối đa 15 tầng; mật độ xây dựng dưới 35%.
Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, trong năm 2025, Thành phố tiếp tục hoàn thành Dự án Khu ký túc xá sinh viên tập trung phía Tây và phía Tây mở rộng tại Khu đô thị công nghiệp Hòa Khánh với 728 căn; hoàn thành công tác lựa chọn chủ đầu tư 2 Dự án NOXH tại Khu đất chung cư số 3 và số 5 thuộc Khu B – Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ với quy mô 1.955 căn.
Đồng thời, TP Đà Nẵng thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư và kêu gọi đầu tư 5 dự án NOXH với quy mô khoảng 3.300 căn gồm Chung cư số 10 Trịnh Công Sơn; Khu chung cư Hòa Minh; NOXH tại lô đất A1-7, đường Chu Huy Mân; NOXH tại khu đất A2-4, đường Ngũ Hành Sơn và đường dẫn lên cầu Tuyên Sơn; NOXH tại lô đất B3 thuộc khu E (giai đoạn 1) – Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ. Địa phương cũng phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai Dự án Thiết chế công đoàn và nhà với quy mô 700 căn.
Bình Dương cũng làm tiếp 26.552 căn nhà ở xã hội và có chính sách hỗ trợ thuế phí cho doanh nghiệp phát triển loại hình này. Đồng Tháp đặt chỉ tiêu hoàn thành hơn 7.000 căn vào 2030.
Trong khi đó, Khánh Hòa, Cà Mau, Bến Tre… cũng lên kế hoạch phát triển hàng nghìn căn nhà ở xã hội 5 năm tới.
Chính sách “mở cửa” cho nhà ở xã hội
Bà Phạm Thị Miền – Phó trưởng ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn, xúc tiến đầu tư của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, nguồn cung nhà ở xã hội sẽ được cải thiện đáng kể trong năm 2025.
“Luật mới đã mở ra nhiều điểm sáng trong hoạt động đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Đơn cử, quy định hiện hành cho phép doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp được thuê lại nhà lưu trú công nhân để bố trí cho người lao động thuê lại”, bà Miền chia sẻ.
Cũng theo bà Miền, không chỉ mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội, Luật Nhà ở 2023 còn bổ sung các đơn vị được phép tham gia phát triển dự án. Quy định này sẽ khuyến khích thêm các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội.
“Bên cạnh khoản lợi nhuận tối đa 10%, chủ đầu tư dự án còn có thể nhận thêm lợi nhuận từ phần diện tích công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại – chiếm 20% diện tích phát triển dự án”, bà Phạm Thị Miền nhận định.
Có cùng quan điểm, TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đánh giá Luật Nhà ở 2023 đã tạo khung pháp lý vững chắc, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào lĩnh vực nhà ở xã hội.
“Luật mới có rất nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội. Thứ nhất, được miễn tiền thuê đất, sử dụng đất. Thứ hai, giảm thiểu quy trình thủ tục. Thứ ba, mở rộng đối tượng mua. Thứ tư, cơ chế linh hoạt trong việc bố trí quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội”, TS Cấn Văn Lực đánh giá.
Cũng theo ông Lực, gói tín dụng 145.000 tỷ đồng của 9 ngân hàng đăng ký cho vay sẽ không được tính vào hạn mức tăng trưởng tín dụng, theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Giới phân tích cho rằng quy định này sẽ giúp các ngân hàng có đủ dư địa để hỗ trợ dự án nhà ở xã hội, mà không bị ràng buộc bởi giới hạn “room” tín dụng.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trương Anh Tuấn – Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân cho rằng năm 2025, phân khúc nhà ở xã hội sẽ sáng hơn nhờ một loạt chính sách ưu đãi từ Nhà nước.
Ông Tuấn dẫn chứng, năm 2025, doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội có thể được miễn tiền thuê, sử dụng đất, không phải thực hiện xác định giá đất, tính tiền sử dụng hay thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng, tiền thuê đất.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng được ưu đãi thuế giá trị gia tăng (VAT), thu nhập doanh nghiệp, mở rộng đối tượng mua và cơ chế linh hoạt trong bố trí quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội. Ngoài chính sách ưu đãi, các địa phương cũng hoàn thiện, rút ngắn thủ tục hành chính, hỗ trợ quỹ đất cho chủ đầu tư làm loại nhà ở này.
TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đánh giá Luật Nhà ở 2023 đã tạo khung pháp lý vững chắc, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào lĩnh vực nhà ở xã hội.
“Luật mới có rất nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội. Thứ nhất, được miễn tiền thuê đất, sử dụng đất. Thứ hai, giảm thiểu quy trình thủ tục. Thứ ba, mở rộng đối tượng mua. Thứ tư, cơ chế linh hoạt trong việc bố trí quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội”, ông dẫn chứng thêm.
Ngoài ra, gói tín dụng 145.000 tỷ đồng của 9 ngân hàng đăng ký cho vay sẽ không được tính vào hạn mức tăng trưởng tín dụng, theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Giới phân tích cho rằng quy định này sẽ giúp các ngân hàng có đủ dư địa để hỗ trợ dự án nhà ở xã hội, mà không bị ràng buộc bởi giới hạn “room” tín dụng.
Nguồn: https://baodaknong.vn/thi-truong-nha-o-xa-hoi-se-bung-no-trong-nam-2025-240673.html