Năm 2024, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cải cách hành chính liên quan đến thị trường bất động sản (BĐS) đã được đẩy mạnh, giúp thị trường từng bước phục hồi và vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Thị trường đã qua giai đoạn khó khăn
Chia sẻ tại Hội nghị Chính phủ với chính quyền địa phương tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho , năm 2024 là năm có nhiều khó khăn và thách thức không chỉ đối với ngành Xây dựng mà là đối với cả nền kinh tế đất nước nói chung. Nhưng ngành Xây dựng đã được triển khai các nhiệm vụ giao trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của Bộ Xây dựng theo đúng mục tiêu, tiến độ đề ra; đặc biệt là công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cải cách hành chính đã được đẩy mạnh; cơ chế, chính sách, pháp luật ngày càng hoàn thiện, thị trường bất động sản từng bước được phục hồi qua giai đoạn khó khăn nhất, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành xây dựng từng bước ổn định.
Đặc biệt, trong năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành gần 20 văn bản gồm các Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định, Công điện… với nhiều giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) và thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản tại các địa phương, doanh nghiệp đã chủ động rà soát, phân loại các khó khăn, vướng mắc của các dự án; hướng dẫn, đôn đốc và tự chủ động tháo gỡ: Trong năm 2024, Tổ công tác nhận được 47 văn bản về khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, người dân và doanh nghiệp (gồm 3 văn bản của địa phương; 18 văn bản của người dân; 26 văn bản của 22 doanh nghiệp) liên quan đến 32 dự án BĐS.
“Theo chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, Tổ công tác ban hành 25 văn bản để xử lý 47 kiến nghị nêu trên. Có thể nói, các khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án BĐS đã từng bước được tháo gỡ, nguồn cung dần được cải thiện. Với việc thực hiện đồng thời nhiều giải pháp, việc tháo gỡ khó khăn, dự báo thời gian tới nguồn cung nhà ở đặc biệt là NƠXH sẽ có các chuyển biến tích cực giúp cho thị trường BĐS dần tốt lên và vượt qua giai đoạn khó khăn nhất” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho hay.
Đối với vấn đề phát triển NƠXH, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đây là chủ trương được cả hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm. Tháng 3/2024, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển NƠXH. Ngày 24/5/2024, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW của về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển NƠXH trong tình hình mới… Ngay những ngày đầu năm mới 2025, Bộ Xây dựng đã có Báo cáo và Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất tổ chức Hội nghị thúc đẩy NƠXH và thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững.
“Vì vậy, qua thực tế triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, trên địa bàn cả nước đã có 645 dự án NƠXH được triển khai với quy mô 581.218 căn. Riêng năm 2024, cả nước có 28 dự án với quy mô 20.284 căn đã hoàn thành (tăng khoảng 46% so với năm 2023, tương đương khoảng 6.420 căn); 23 dự án với quy mô 25.399 căn đã được cấp phép, khởi công xây dựng (tăng khoảng 13% so với năm 2023, tương đương khoảng 3.000 căn); số lượng dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư là 113 dự án, tương đương 142.450 căn (tăng khoảng 101% so với năm 2023)” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thông tin.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh nghị, đến thời điểm hiện tại hầu hết các địa phương đã thực hiện quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển NƠXH. Theo đó, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.309 vị trí với quy mô khoảng 9.756 ha đất làm NƠXH. Chương trình tín dụng 120.000 tỷ cho vay ưu đãi phát triển NƠXH, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư. Các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho vay khoảng trên 4.000 tỷ đồng, doanh số cho vay đạt 2.360 tỷ đồng (2.162 tỷ đồng cho chủ đầu tư vay tại 17 dự án; 198 tỷ đồng cho người mua nhà tại 15 dự án).
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 21/2024/QĐ-TTg về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách T.Ư, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 – 2025.
Nhiều triển vọng từ thị trường nhà ở
Nhận định về thị trường, CBRE Việt Nam đánh , triển vọng trong những năm tới cho thấy nguồn cung bất động sản gắn liền với đất tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cải thiện nhờ vào các dự án đô thị mới triển khai ở khu Đông và khu Nam. Nguồn cung mới năm 2025 của thành phố dự kiến đạt khoảng 2.000 căn, gấp 8 lần so với năm 2024.
Hiện, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đang quyết liệt gỡ vướng pháp lý đối với các dự án trọng điểm, với tám dự án đã được xem xét giải quyết trong năm 2024 và 22 dự án tiếp tục tham mưu xử lý trong năm 2025.
Cùng với việc các công trình hạ tầng quy mô lớn được cán đích vào năm sau, thị trường được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn so với năm 2024.
Theo Giám đốc cấp cao khối Tư vấn và Nghiên cứu JLL Việt Nam Trang Lê, trong bối cảnh thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh đang bị thống trị bởi phân khúc nhà ở cao cấp và thiếu vắng các dự án nhà ở thương mại có giá cả phù hợp với khả năng tài chính của đại đa số người dân, thị trường dự kiến đón nhận nhiều nguồn cung trong phân khúc giá thấp hơn trong năm 2025.
Các dự án này đa phần sẽ nằm ở khu vực ngoài phạm vi 10 km từ trung tâm. Những chính sách bán hàng ưu đãi để đẩy mạnh kích thích nhu cầu người cũng sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
Nhận xét chung về thị trường nhà ở, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam Dương Thuỳ Dung cho biết: “Năm 2025 sẽ đánh dấu sự khởi đầu cho một chu kỳ mới của thị trường nhà ở. Thị trường được kỳ vọng sẽ phát triển ổn định và bền vững hơn, khi có thời gian thích nghi với các luật sửa đổi cùng với các thông tư và hướng dẫn thi hành mới.
Điều này tạo ra một môi trường pháp lý rõ ràng, khuyến khích các chủ đầu tư tham gia phát triển dự án, đồng thời mở ra cơ hội cho nhiều người dân có thể tiếp cận và mua nhà dễ dàng hơn.”
Trước diễn biến giá chung cư trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang tăng dần, Phó Tổng giám đốc DKRA Group Trần Hiếu cho rằng, đây là tỉnh lân cận Thành phố Hồ Chí Minh nên giá bất động sản ít nhiều chịu ảnh hưởng từ đà tăng của thành phố này, nhất là những dự án nằm liền kề địa phận hai thị trường.
Theo đó, tác động tăng giá từ thị trường khu Đông Thành phố Hồ Chí Minh lan rộng ra các khu vực lân cận và tạo ưu thế cho nhiều dự án Bình Dương triển khai gần đó.
Nếu giá chung cư thành phố Thủ Đức (giáp Bình Dương) như Urban Green, Vạn Phúc City, Lumiere Boulevard, Elysian, Opus One… giá từ 75-120 triệu đồng/m2 thì ở phía Bình Dương hiện thấp hơn 30-50%.
Savills Việt Nam dự báo, từ nay đến 2027, tỉnh Bình Dương dự kiến có khoảng 20.000-24.000 căn hộ thương mại được triển khai. Trong số đó đa phần là dự án trung và cao cấp, giá trên dưới 40 triệu đồng/m2.
Mặt bằng giá bất động sản Bình Dương được dự báo tiếp tục tăng trong các năm tới đây, nhất là với các vùng trung tâm đô thị hóa cao. Điều này sẽ kéo theo áp lực về nhà ở gia tăng ở thị trường này./.
Nguồn: https://baodaknong.vn/bo-truong-nguyen-thanh-nghi-nguon-cung-nha-o-sap-duoc-cai-thien-240027.html