Cầu mong bông lúa hạt nhiều, hạt chắc
Ngậm đòng trổ bông là giai đoạn quan trọng trong quá trình sinh trưởng của cây lúa. Tại giai đoạn này, năng suất vụ mùa có thể được dự đoán. Cũng chính lúc này, cây lúa rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường. Vì vậy, đồng bào M’nông huyện Tuy Đức làm lễ cầu được mùa.
Là những cư dân bản địa với tín ngưỡng đa thần, đồng bào M’nông có nhiều nghi lễ cúng vòng đời cây lúa. Vậy nên lễ cầu được mùa được thực hiện đơn giản, lễ vật không quá cầu kỳ nhưng lại có ý nghĩa to lớn vì đây là giai đoạn quan trọng của cây lúa. Lễ cúng được thực hiện để cầu mong cho lúa trổ bông to, hạt nhiều, hạt chắc, không bị sâu bọ, muông thú phá hoại.
“Hôm nay tôi báo cho hồn lúa, hồn bầu, hồn bí tôi sẽ làm lễ cúng lúa. Các thần lúa, thần kê, thần đậu, thần mướp đến ngày đó các thần gọi nhau về ăn lợn, ăn gà, ăn cơm, uống rượu nhà tôi…”
Đó là một trong những lời khấn hẹn của chủ rẫy trước một ngày diễn ra lễ cúng. Vào buổi sáng sớm diễn ra lễ, gia chủ sẽ ra khu rẫy cúng lúa lấy dây buộc túm vài bụi lúa và khấn thông báo cho thần lúa biết ngày làm lễ cúng lúa. Sau khi khấn vái hẹn ngày với các thần xong, chủ rẫy bắt đầu làm cây nêu cúng lúa.
Cảm tạ, cầu mong thần linh phù hộ được mùa
Đàn ông trong gia đình lên rừng chọn cây lồ ô to, đẹp, thẳng để làm cây nêu. Việc làm cây nêu rất được xem trọng vì tính chất thiêng liêng của nó. Một cây nêu để cắm trước sân nhà, một cây cắm ở ngoài rẫy lúa. Cắm cây nêu phải thẳng đứng, không cắm xiêu vẹo.
Người M’nông quan niệm, khi cây nêu cắm trên rẫy, các vị thần sẽ trú ngụ trên cây nêu và giữ cho hồn lúa ở yên trên rẫy. Cũng chính vì vậy, trên cây nêu trang trí biểu tượng của các chùm lúa xòe ra, sum suê, biểu hiện cho sự sinh sôi, phát triển và mong ước của gia chủ cho cây lúa trổ nhiều bông, chắc hạt.
Lễ vật cho lễ cúng bao gồm: lợn, gà, vịt, rượu, cây cau rừng, quả bí khắc thành mặt người, cơm lam, ché rượu cần… Những con vật hiến sinh này đều được buộc quanh cột nêu từ tối hôm trước cho đến sáng hôm sau.
Buổi sáng ngày diễn ra lễ chính, chủ nhà giết các con vật hiến sinh này lấy tiết, mật, gan, tim và một con gà, cơm lam, ché rượu cần… đem vào rẫy làm lễ cúng. Chủ rẫy dựng một cây nêu ở trên rẫy, dâng lễ vật và lấy tiết con vật hiến sinh bôi vào cây nêu cầu xin thần lúa yên tâm ở lại với rẫy gia đình nhà mình:
“Ơi rừng núi, hỡi các thần lúa, thần rừng, thần suối… Hôm nay, gia đình tôi làm lễ cúng các thần. Xin các thần phù hộ bảo vệ cho rẫy lúa gia đình tôi được tốt, được trúng mùa, ngăn không cho con sâu, con chuột, con sóc cắn phá hại rẫy lúa. Mong các thần thông cảm, có tiết ăn tiết, có gan ăn gan, có rau ăn rau, có gà ăn gà, có vịt ăn vịt… Các thần hãy cùng gia đình tôi uống rượu cần. Hỡi các thần hãy về đây cùng ăn cơm cùng uống rượu cần cùng gia đình với bà con”
Sau khi khấn trên rẫy xong, về nhà chủ nhà lấy tiết gà bôi vào cây nêu rồi khấn vái: “Hôm nay mời các thần sâu, thần mối về nhà uống rượu, ăn thịt. Mong các thần sâu, thần mối ăn no uống say và ngủ thật lâu ba bốn tháng mới tỉnh, không ra rẫy phá lúa”.
Vợ chủ nhà cũng hát cúng: “Hỡi các thần hãy xua đuổi con chuột, con sóc, con heo rừng tránh xa không vào rẫy phá lúa, phù hộ cho gia đình được mùa. Gia đình tôi sẽ làm lễ tạ ơn các thần”.
Kết thúc các nghi thức cúng, vợ chủ nhà sẽ hát mời khách: “Lâu rồi ta mới gặp nhau, chúc mọi người sức khỏe, gái thì đẹp gái, trai thì đẹp trai, trang phục đẹp, khen giọng nói tiếng cười hay và đẹp. Mời mọi người vào nhà ăn mừng lễ. Ta tập trung đông như đàn chim kéo nhau đi ăn trái chín, chim nhỏ đậu cành nhỏ, chim lớn đậu cành lớn để cùng vui!”.
Sau lời hát mời, mọi người bắt đầu uống rượu chung vui. Những người trộn lúa giống, người khi trỉa lúa được mời uống trước. Tiếp đến chủ nhà và bà con trong bon làng. Mọi người vui vẻ uống rượu cần, hát đối đáp hỏi thăm sức khỏe, chúc rẫy lúa của chủ nhà tươi tốt, thu hoạch được mùa
Trong không khí tươi vui, tiếng chiêng ngân vang, trầm bổng gắn bó với âm hưởng của cuộc sống lao động nơi núi rừng, của men say, của tình yêu, của hồn thiêng sắc màu dân tộc M’nông…
Lễ cúng lúa cầu được mùa của người M’nông (tỉnh Đắk Nông) là một nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian lâu đời, gắn với triết lý đa thần của cư dân nông nghiệp như: Thần suối, thần sông, thần núi, thần rừng, thần cây… Trong hệ thống nghi lễ, lễ hội của người M’nông… lễ cúng lúa cầu được mùa là một trong những lễ hội có quy mô lớn. Lễ cúng với mục đích cảm tạ trời đất, thần linh đã che chở, phù hộ cho bon (làng) có mùa vụ bội thu, no đủ. Đây được xem là dịp lễ quan trọng trong đời sống tâm linh của người M’nông.
Nguồn: https://baodaknong.vn/le-cung-lua-cau-duoc-mua-o-huyen-bien-gioi-dak-nong-237362.html