Tăng trưởng xanh là hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế, hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Đối với tỉnh miền núi như Lâm Đồng, việc quản lý, bảo vệ và trồng rừng không chỉ là hoạt động kinh tế mà còn là biện pháp hiệu quả để bảo vệ môi trường và tái tạo tài nguyên rừng, góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng xanh trên nhiều lĩnh vực.
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đất lâm nghiệp chiếm khoảng 55% diện tích tự nhiên, phân bố lập địa ở tất cả các đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố trong tỉnh. Những năm qua, tài nguyên rừng của tỉnh đóng một vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng trên địa bàn. Vì vậy, địa phương luôn đặt mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị tại các cấp, các ngành, các địa phương.
Thực tế tại huyện Lạc Dương cho thấy, địa phương có tổng diện tích tự nhiên hơn 131.000 ha, đất quy hoạch lâm nghiệp hơn 116.000 ha, trong đó rừng đặc dụng 55.396 ha, rừng phòng hộ 40.087 ha, còn lại là rừng sản xuất. Độ che phủ rừng lên tới 85%, cao nhất tỉnh Lâm Đồng và là một trong những đơn vị hành chính cấp huyện có tỷ lệ che phủ rừng trong nhóm cao nhất cả nước.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lạc Dương Lê Chí Quang Minh cho biết, xác định tầm quan trọng của phát triển rừng nhằm giữ “lá phổi” xanh, tạo không gian ngày càng xanh, đẹp, thúc đẩy việc tái tạo và mở rộng diện tích rừng, góp phần vào việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sống cho cộng đồng, giai đoạn 2021-2023, địa phương đã trồng hơn 1,7 triệu cây rừng và cây phân tán; giai đoạn năm 2024-2025, toàn huyện sẽ trồng gần 1,8 triệu cây rừng và cây xanh phân tán, thuộc Chương trình trồng 50 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Xác định rừng là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, thời gian qua, thành phố Đà Lạt ban hành nhiều nghị quyết nhằm đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên và trồng rừng bổ sung để tăng độ che phủ rừng. Theo Ban Quản lý rừng Lâm Viên, thành phố Đà Lạt, 10 năm qua, đơn vị đã trồng hơn 300 ha rừng, góp phần vào việc tăng độ che phủ rừng của thành phố đạt hơn 52%.
Có thể thấy, rừng ở Đà Lạt đã và đang được bảo vệ ngày càng tốt hơn, người dân và các cấp chính quyền, tổ chức ngày càng quan tâm và chú trọng đến công tác phát triển rừng. Điều này cho thấy sự quyết tâm và tầm nhìn của thành phố trong việc bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.
Thời gian gần đây, việc áp dụng các mô hình trồng rừng đa dạng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã mang lại những kết quả khá ấn tượng. Cùng với các chủ rừng, các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức cùng chung tay và thể hiện trách nhiệm bằng nhiều hoạt động như tài trợ cây giống, tham gia các dịp phát động trồng cây, hỗ trợ kinh phí để các tổ chức chính trị-xã hội, các địa phương tổ chức trồng rừng…
Mới đây, tuổi trẻ Lâm Đồng ra quân trồng 2.000 cây xanh tại Phường 7, thành phố Đà Lạt. Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Đồng Ndu Ha Biên cho biết, thời gian qua, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động trồng, chăm sóc cây xanh để phủ xanh đồi trọc, tạo cảnh quan thiên nhiên và bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
“Phong trào trồng và chăm sóc cây xanh đã tạo sự lan tỏa, trở thành nét đẹp văn hóa trong đoàn viên, thanh thiếu niên và nhân dân địa phương, từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình trồng 50 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh”, anh Ha Biên chia sẻ.
Lâm Đồng là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, coi việc bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và các cảnh quan thiên nhiên của rừng là các dịch vụ, nguồn lực, cơ hội đầu tư lớn, được xem là hình thức huy động vốn đầu tư cho rừng theo cách lấy rừng nuôi rừng, từ đó có tác động lớn tới việc góp phần ngăn chặn tác hại của biến đổi khí hậu.
Qua hơn 14 năm triển khai thực hiện, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã mang đến nguồn sinh kế ổn định cho hàng nghìn hộ dân tại Lâm Đồng, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Cùng ông Ha Giảng, dân tộc Cơ Ho ở xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương đi “thăm” rừng, ông cho biết, những năm gần đây, số tiền nhận được từ chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần mang lại nguồn thu nhập cho gia đình. “Nhắc đến Tây Nguyên là nhớ đến rừng mà. Người dân mình sống với rừng và rất hiểu rừng cho nên luôn có ý thức bảo vệ, phát triển rừng”, ông Ha Giảng nói.
Cùng với hoạt động trồng cây rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc; trồng rừng sản xuất cũng là hoạt động quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế-xã hội. Việc thực hiện tốt các chính sách và cơ chế hỗ trợ, khuyến khích trồng rừng sản xuất góp phần phát huy hiệu quả của hoạt động này.
Nghị quyết của Tỉnh ủy Lâm Đồng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và đề án “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” của Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp cùng cơ chế, chính sách thiết thực, góp phần tăng cường, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp, ngành.
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến, đạt được những kết quả tích cực, rừng tự nhiên được bảo vệ tốt hơn, chặt chẽ hơn; diện tích rừng trồng mới hằng năm tăng cả về diện tích và chất lượng; đời sống của người dân sống bằng nghề rừng cũng ngày càng được cải thiện và nâng lên.
Theo số liệu công bố diễn biến rừng năm 2023, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp tại Lâm Đồng hơn 537.000 ha, trong đó rừng tự nhiên hơn 454.000 ha và diện tích rừng trồng hơn 83.000 ha. Đến năm 2024, toàn tỉnh đã trồng hơn 343 ha rừng, tăng 31% so với năm 2023. Chương trình trồng 50 triệu cây xanh năm 2024 đạt hơn 13,1 triệu cây, nâng tổng số cây xanh theo chương trình lên hơn 38,3 triệu cây, đạt 76,6% kế hoạch giai đoạn 2021-2025.
Tổng diện tích giao khoán quản lý, bảo vệ hơn 445.500 ha, với hơn 15.700 hộ dân, chủ yếu là hộ dân tộc thiểu số và 36 tổ chức nhận khoán. Toàn tỉnh có 277 doanh nghiệp được cho thuê đất, thuê rừng để thực hiện đầu tư 292 dự án, với tổng diện tích đất hơn 50.100 ha, trong đó có gần 22.000 ha đất rừng.
Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; bảo vệ, khôi phục và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo đảm an ninh nguồn nước; tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện sinh kế cho người dân.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Phạm S, với địa hình đa dạng, khí hậu ôn hòa, hệ sinh thái phong phú, thắng cảnh thiên nhiên thơ mộng… nhất là Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà với diện tích hơn 70.000 ha thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang, là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học lớn bậc nhất nước ta. Từ đó, đã mang lại cho tỉnh Lâm Đồng nhiều lợi thế để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
“Tăng trưởng xanh phải dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải nhà kính, nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, phải dựa trên cơ sở khoa học và công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện quốc gia, địa phương… Tỷ lệ che phủ rừng gần 55% là tiềm năng lớn của Lâm Đồng để tham gia thị trường tín chỉ các-bon”, đồng chí Phạm S cho biết thêm.
Nguồn: https://baodaknong.vn/phat-trien-rung-gan-voi-tang-truong-xanh-237302.html