Ưu thế đường dài của bô xít
Quy hoạch bô xít ở Đắk Nông giai đoạn 2021 – 2030 cho thấy, các mỏ bô xít phân bố trên địa bàn 5 huyện và thành phố của tỉnh, với diện tích khoảng 1.760km2, chiếm gần 1/4 diện tích tự nhiên.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế – môi trường Việt Nam đã có đánh giá, phân tích về tiềm năng khai thác bô xít tại Đắk Nông.
Theo đó, Đắk Nông hội tụ đủ các yếu tố để trở thành trung tâm công nghiệp bô xít – alumin – nhôm của quốc gia. Mục tiêu này đã nằm trong quy hoạch khoáng sản của Trung ương, được tỉnh đưa vào quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt
Tuy nhiên, PGS.TS Lưu Đức Hải cho rằng, với đặc thù phân bố rộng, phân tán, việc khai thác, thu hồi bô xít ở Đắk Nông không phải là chuyện dễ, nhất là về mặt hiệu quả kinh tế trước mắt.
Bởi vì, giá trị bô xít nguyên khai là không cao và chỉ thực sự có giá trị khi đã qua chế biến. Hiện nay, Đắk Nông chỉ có Nhà máy Alumin Nhân Cơ phục vụ chế biến bô xít.
Do đó, việc khai thác bô xít ở tầm xa sẽ tốn chi phí vận chuyển rất lớn, làm tăng giá thành sản phẩm và giảm hiệu quả kinh tế. Đi kèm với đó là đòi hỏi lớn về sự đồng bộ của cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.
“Trong khi nguồn lực của Đắk Nông hiện nay đang hạn hẹp, khó đáp ứng việc phát triển hạ tầng phục vụ khai thác bô xít. Việc kêu gọi, thu hút thêm dự án khai thác bô xít của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn”, PGS.TS Lưu Đức Hải chia sẻ.
Quy hoạch khoáng sản quốc gia cho thấy, tổng trữ lượng bô xít huy động vào quy hoạch khoảng 2,72 tỷ tấn quặng nguyên khai (tương đương 976 triệu tấn quặng tinh).
Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, nếu chỉ có Nhà máy Alumin Nhân Cơ hiện nay (công suất 1,65 triệu tấn quặng tinh/năm) thì cần khoảng 590 năm mới khai thác và sử dụng hết tài nguyên, trữ lượng bô xít tại Đắk Nông.
Ngoài ra, theo Quyết định số 1277/QĐ-TTg, ngày 1/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, Đắk Nông có 12 khu vực dự trữ khoáng sản bô xít, với tổng trữ lượng khoảng 210 triệu tấn quặng tinh.
Với trữ lượng này, nếu tính riêng cho hoạt động Nhà máy Alumin Nhân Cơ (công suất 1,65 triệu tấn quặng tinh/năm) thì phải trong vòng hơn 120 năm mới sử dụng hết.
Hiện nay, giá trị khai thác, chế biến bô xít ở Đắk Nông là rất lớn. Hàng năm, Nhà máy Alumin Nhân Cơ đóng góp cho ngân sách tỉnh khoảng 400 – 500 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.
Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho Nhà máy Alumin Nhân Cơ cũng rất lớn, với nhiều mặt tác động. “Thực tế, hiệu quả thực sự của các dự án khai thác bô xít ở Đắk Nông vẫn là về lâu dài, nhất là khi tỉnh có đủ các nguồn lực về con người, hạ tầng, công nghệ”, PGS.TS Lưu Đức Hải nhận định.
Điện gió đóng góp lớn trước mắt
Hiện nay, Đắk Nông có 6 dự án điện gió, với tổng cộng 120 trụ, tổng diện tích đất 31.200m2. Các dự án điện gió đều nằm trong vùng quy hoạch mỏ bô xít.
Mỗi móng trụ điện gió chiếm diện tích 260m2 đất. Thông số từ Nhà máy Alumin Nhân Cơ cho thấy, 1ha đất trong quy hoạch có thế khai thác tối đa khoảng 60.000 tấn bô xít. Như vậy, nếu trữ lượng lý tưởng, mỗi trụ điện gió sẽ khai thác được 1.560 tấn bô xít.
Nếu nhân với giá bô xít hiện nay là 390.000 đồng/tấn thì giá trị bô xít tại mỗi trụ điện gió là 608 triệu đồng. Đây là giá bô xít tại vị trí trụ điện gió, chưa tính khoản chi phí vận chuyển về nhà máy và các chi phí khác.
Cần lưu ý rằng, các trụ điện gió hiện nay đều cách Nhà máy Alumin Nhân Cơ bình quân 60km. Do đó, chi phí vận chuyển bô xít về nhà máy là khá lớn.
Theo tính toán, nếu khai thác toàn bộ bô xít tại mỗi trụ điện gió chuyển về Nhà máy Alumin Nhân Cơ sản xuất, chế biến sẽ có lời khoảng 300 triệu đồng/trụ.
Với 120 trụ điện gió ở Đắk Nông, giá trị bô xít mang lại theo giá hiện hành vào khoảng 36 tỷ đồng. Đây là một con số khá khiêm tốn so với giá trị mà các dự án điện gió có thể mang lại trước mắt.
Theo tính toán của cơ quan chức năng, nếu cả 6 dự án điện gió ở Đắk Nông đi vào vận hành thương mại sẽ đóng góp cho lưới điện khoảng 1,29 tỷ kWh điện, nộp ngân sách khoảng 400 tỷ đồng/năm.
Quy hoạch, kế hoạch khai thác bô xít ở Đắk Nông phải kéo dài ít nhất 120 năm mới hết nguồn nguyên liệu. Trong khi, theo Luật Đầu tư, thời gian hoạt động của dự án điện gió không quá 50 năm. Mặt khác, đối với các tua bin điện gió trong điều kiện lý tưởng chỉ có tuổi thọ từ 20 – 30 năm.
Do vậy, sau thời gian hết tuổi thọ của tua bin hoặc thời gian hoạt động của dự án điện gió kết thúc thì có thể tiến hành khai thác bô xít.
Mặc dù Đắk Nông có tiềm năng lớn từ cả hai lĩnh vực bô xít và điện gió, nhưng việc triển khai các dự án vẫn gặp không ít khó khăn do các quy định chưa được điều chỉnh phù hợp với đặc thù của từng ngành.
Vì vậy, việc có chính sách về khai thác khoáng sản, phát triển điện gió theo hướng đồng bộ và minh bạch sẽ là yếu tố quyết định để Đắk Nông có thể tận dụng hiệu quả tiềm năng các tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Nguồn: https://baodaknong.vn/bai-toan-gia-tri-bo-xit-va-dien-gio-tai-dak-nong-237250.html