Thu nhập người dân tăng
Gia đình ông Ngô Văn Định, thôn 1, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức trồng hơn 3ha cà phê. Thời gian này, gia đình ông Định vô cùng bận rộn, tất bật từ 6-7 sáng đến tối cho công việc thu hoạch cà phê.
Công việc của ông Định mùa này xoay quanh việc thu hái, chở cà phê về nhà, phơi, sấy, bảo quản. Nhờ thuê được 4 nhân công nên đến nay gia đình đã thu hoạch được 50% diện tích. Năm nay, dù thời tiết nắng hạn trong quá trình cà phê ra hoa, đậu quả nhưng rẫy gần nguồn nước nên năng suất cà phê gia đình ổn định, trung bình 4 tấn/ha.
Ông Định cho biết, giá cà phê đang ở mức cao, năm nay lại được mùa khiến gia đình tôi rất phấn khởi. Giá nông sản như năm nay, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân.
Huyện Tuy Đức có hơn 20.000ha cà phê kinh doanh, chiếm 41,5% đất sản xuất nông nghiệp của huyện. Hiện nay, nông dân trên địa bàn huyện biên giới này đang khẩn trương thu hoạch cà phê với không khí tràn ngập niềm vui vì được mùa, được giá.
Nhân công thuê hái cà phê chủ yếu theo hình thức giao khoán, với mức giá 1.300 đồng – 2.000 đồng/kg cà phê tươi.
Theo phòng NN-PTNT huyện Tuy Đức năng suất cà phê bình quân năm 2024 của huyện đạt 3 tấn/ha, tổng sản lượng cà phê nhân khoảng hơn 56.000 tấn.
Bà Phan Thị Khương, Phó Phòng NN-PTNT huyện Tuy Đức cho biết, trong năm 2024, diện tích cây trồng lâu năm như cà phê, sầu riêng, mắc ca tiếp tục tăng trưởng ổn định. Sản lượng cà phê đạt cao, giá bán nhiều loại nông sản tăng, trở thành động lực chính thúc đẩy thu nhập người dân.
Tổng giá trị sản xuất tăng 10,4%
Năm 2024, kinh tế huyện Tuy Đức đã ghi dấu ấn rõ nét, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Tuy Đức đạt trên 11%. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt 4.479 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ.
Sự khởi sắc này đến từ các chính sách phù hợp và nỗ lực thực hiện của chính quyền địa phương trong việc kết nối thị trường, cải thiện cơ sở hạ tầng, đồng thời ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Nông nghiệp là “xương sống” của kinh tế vùng biên giới Tuy Đức. Trong năm 2024, diện tích, sản lượng cây trồng lâu năm như cà phê, sầu riêng, mắc ca tiếp tục phát triển ổn định. Sản lượng cà phê đạt cao, giá bán đang ở mức kỷ lục trở thành động lực chính thúc đẩy thu nhập người dân.
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ cao như hệ thống tưới nhỏ giọt, nhà kính đã góp phần gia tăng năng suất và chất lượng. Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 1.264ha, trong đó nhiều khu vực trồng rau xanh và cây ăn quả tập trung tại Đắk Búk So đã thành công trong việc tạo sản phẩm an toàn, mang lại hiệu quả cao.
Ngành công nghiệp huyện duy trì đà tăng trưởng với giá trị sản xuất đạt 771 tỷ đồng, tăng 2,39% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều cơ sở sản xuất nhỏ và các doanh nghiệp địa phương không chỉ phục hồi mà còn mở rộng quy mô. Bên cạnh đó, vốn đầu tư công 637 tỷ đồng đã được giải ngân hiệu quả, góp phần cải thiện hạ tầng.
Hệ thống giao thông đạt tỷ lệ cứng hóa 100%, mở ra nhiều cơ hội kết nối giao thương cho vùng biên giới. Các dự án trọng điểm, như đường tỉnh lộ và khu dân cư, tiếp tục là động lực thúc đẩy phát triển bền vững.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2024 đạt 1.831 tỷ đồng, tăng 2,12% so với năm trước. Hoạt động du lịch khởi sắc với hơn 33.000 lượt khách đến tham quan. Vị trí chiến lược vùng biên giới tạo điều kiện cho Tuy Đức trở thành cầu nối giao thương với các địa phương khác và cả quốc tế.
Các hội chợ, sự kiện quảng bá sản phẩm nông nghiệp như cà phê, hồ tiêu, sản phẩm OCOP đã góp phần đưa thương hiệu nông sản Tuy Đức vươn xa.
Huyện Tuy Đức đã thực hiện nhiều chính sách thiết thực, từ giảm nghèo bền vững đến phát triển giáo dục, y tế và cải cách hành chính. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15,78%, trong khi các chỉ tiêu về giáo dục đều đạt hoặc vượt kế hoạch.
Huyện cũng chú trọng bảo vệ rừng, với tỷ lệ che phủ đạt 49,91%. Các chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, tạo động lực cho sự phát triển toàn diện.
Bên cạnh đó, thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 65,8 tỷ đồng, đạt 120,51% kế hoạch, tăng 15,85% so với cùng kỳ.
Ông Đinh Ngọc Nhân, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức đánh giá, kinh tế, xã hội huyện Tuy Đức năm 2024 có bước chuyển mình mạnh mẽ, huyện đã đạt 14/14 nhóm chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Đây là kết quả từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân.
Những kết quả đạt được của năm 2024 là tiền đề quan trọng để Tuy Đức bứt phá trong năm 2025, phấn đấu trở thành vùng kinh tế biên giới phát triển toàn diện và bền vững.
Tuy Đức đang ngày càng khẳng định vị thế là một trong những huyện biên giới phát triển năng động. Với định hướng đúng đắn và sự đồng lòng của toàn dân, huyện sẽ tiếp tục vươn xa, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Đắk Nông.
Cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới quốc gia của huyện Tuy Đức còn 15,78%, giảm 3% so với năm 2023, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm 26,39%, giảm 5% so với năm 2023, đạt kế hoạch đề ra.
Nguồn: https://baodaknong.vn/huyen-vung-bien-dak-nong-mot-nam-thang-loi-237170.html