Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cho rằng các nước EU cần phối hợp để đối phó với những thách thức chung từ làn sóng người di cư đang trở nên mất kiểm soát tại quốc gia này.
Người di cư tại đảo Lampedusa, Italy ngày 14/9/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hàng nghìn người di cư đi theo các tàu thuyền khởi hành từ bờ biển ở Bắc Phi đã đến đảo Lampedusa trong tuần này, gây ra tình trạng khủng hoảng tiếp nhận người di cư và làm nóng trở lại cuộc tranh luận giữa các nước thành viên EU về vấn đề phân bổ người tị nạn.
Đảo Lampedusa đối mặt với khủng hoảng người di cư
Đảo Lampedusa nằm giữa Tunisia, Malta và đảo Sicily của Italy. Đây là thành phố cảng đầu tiên người di cư tìm đến để vào Liên minh châu Âu (EU).
Trong các ngày từ 11-13/9, khoảng 8.500 người di cư – nhiều hơn toàn bộ dân số đảo Lampedusa – đã đến đảo này trên 199 tàu.
Người đứng đầu chính quyền đảo Lampedusa, ông Filippo Mannino, nhấn mạnh mặc dù Lampedusa vẫn luôn sẵn lòng đón nhận người di cư, song hòn đảo này đã rơi vào tình trạng quá tải và đang đối mặt với khủng hoảng.
Dân số trên đảo Lampedusa thường vào khoảng hơn 6.000 người. Các hình ảnh trong tuần này cho thấy hàng dài thuyền chở nhiều người di cư đang đợi để cập cảng Lampedusa.
Người di cư tại đảo Lampedusa, Italy ngày 16/9/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trong khi đó, trung tâm tiếp nhận người di cư của hòn đảo chỉ có sức chứa khoảng 400 người. Hàng trăm người di cư sau đó đã được chuyển đến thị trấn Porto Empedocle trên đảo Sicily.
Italy kêu gọi EU chia sẻ trách nhiệm
Hội Chữ thập Đỏ Italy, đơn vị vận hành trung tâm tiếp nhận người di cư tại Lampedusa, cho biết tính đến ngày 17/9, cơ sở này có 1.500 người di cư tạm trú, gấp hơn 3 lần công suất phục vụ thông thường là 400 người.
Các hoạt động đưa người di cư tới đảo Sicily và các nơi khác không theo kịp làn sóng người di cư kéo đến.
Trong khi đó, nhiều tàu thuyền của các tổ chức phi chính phủ đang chở hàng trăm người di cư được cứu sau các chiến dịch cứu hộ ngoài biển đưa về các cảng lớn của Italy.
Hàng chục tàu nhỏ chở người di cư vẫn đang hướng tới đảo Lampedusa, đe dọa nghiêm trọng hệ thống quản lý người nhập cư của hòn đảo này.
Phát biểu tại cuộc họp báo với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen trong chuyến thị sát chung tới đảo Lampedusa, Thủ tướng Giorgia Meloni cho rằng các nước EU cần phối hợp để đối phó với những thách thức chung từ làn sóng người di cư đang trở nên mất kiểm soát.
Thủ tướng Meloni nhấn mạnh vấn đề này đang đe dọa tương lai mà EU hướng tới, một tương lai phụ thuộc vào năng lực toàn khối ứng phó với những thách thức lớn.
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni (phải) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (thứ 2, trái) thị sát đảo Lampedusa ngày 17/9/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Về phần mình, bà von der Leyen cho rằng làn sóng di cư bất hợp pháp là thách thức của toàn châu Âu nên cần một cách ứng phó chung của toàn khối. Bà kêu gọi các thành viên khác của EU tiếp nhận người di cư để chia sẻ gánh nặng với Italy.
Trước đó, trước áp lực nặng nề do lượng người di cư từ châu Phi ngày càng tăng, Italy đã phải tìm kiếm sự can thiệp của Liên hợp quốc để giải quyết vấn đề.
Phát biểu bên lề hội nghị thường niên của Liên đoàn giới chủ Italy (Confindustria) tại Rome, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Antonio Tajani bày tỏ: “Chúng tôi sẽ đề cập đến vấn đề (di cư) do tình hình ở châu Phi gây ra tại kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra trong tuần tới ở New York (Mỹ). Tình hình ở châu Phi không còn có tiềm năng bùng nổ, mà đã bùng nổ rồi.”
Ông Tajani cho rằng cần phải triển khai các biện pháp tức thời và sâu rộng để giải quyết vấn đề di cư bất thường ngày càng nghiêm trọng. Người đứng đầu ngành ngoại giao Italy nêu rõ: “Chúng ta cần tiến tới hồi hương những người không có quyền ở lại châu Âu. Châu Âu không thể giả vờ như không có chuyện gì xảy ra và tôi tin rằng Pháp sẽ hiểu vấn đề của chúng tôi” đồng thời cho biết ông sẽ đến Paris và Berlin ngay sau khi trở về từ New York.
Vấn đề người di cư đã trở thành thách thức lớn đối với chính quyền của Thủ tướng Italy Giorgia Meloni.
Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 10/2022, chính phủ của bà Meloni cam kết giải quyết vấn đề này.
Bà Meloni đã nỗ lực cải thiện quan hệ với Tunisia, nơi xuất phát của phần lớn thuyền di cư trái phép.
Hồi tháng Bảy, EU đã đạt thỏa thuận với Tunisia nhằm kiềm chế dòng người di cư bất hợp pháp từ quốc gia Bắc Phi này kéo đến châu Âu.
Từ đầu năm 2023 đến nay, hơn 127.000 người di cư đã tìm đến các địa phương ven biển của Italy, gần gấp đôi số lượng người di cư ghi nhận cùng kỳ năm ngoái.
Theo Liên hợp quốc, hơn 2.000 người di cư đã thiệt mạng trong khi tìm cách vượt biển từ Bắc Phi tới Malta và Italy trong năm 2023./.