Để chủ động phòng, chống dịch bệnh Cúm A/H1pdm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh cúm, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng. Ngành Y tế đẩy mạnh giám sát các trường hợp viêm phổi nặng và các chùm ca bệnh cúm tại cộng đồng, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bình Định, tính đến ngày 20/11/2024, toàn tỉnh đã ghi nhận 842 trường hợp mắc bệnh cúm và giám sát 22 trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút. Kết quả xét nghiệm có 9 trường hợp dương tính với Cúm A/H1pdm (pandemic); trong đó, ghi nhận 4 trường hợp tử vong. Tại tỉnh Đắk Nông từ đầu năm 2024 đến nay, ghi nhận 111 trường hợp mắc bệnh Cúm. Trong đó, huyện Đắk R’lấp 93 trường hợp, huyện Cư Jút 18 trường hợp và chưa ghi nhận trường hợp mắc Cúm A/H1pdm.
Công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị, đặc biệt chú ý đối với các trường hợp mắc cúm trong nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, lao phổi, tiểu đường, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS) người già và trẻ em cần được bảo đảm.
Sở Nông nghiệp -PTNT phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức giám sát triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm theo quy định. Ngành Nông nghiệp chủ động lấy mẫu xét nghiệm giám sát sự lưu hành của vi rút cúm gia cầm tại các nơi có nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh; phát hiện kịp thời để chủ động trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm theo hướng dẫn của ngành Y tế; theo dõi sức khỏe của trẻ em, học sinh và thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời; vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Các hoạt động tuyên truyền về dịch bệnh, nguy cơ mắc bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh cúm; vận động người dân chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cúm đối với các chủng cúm đã có vắc xin… cần được đẩy mạnh.
UBND các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo các xã, phường, thị trấn trên địa bàn chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Cúm.
Các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân chủ động đi tiêm vắc xin phòng Cúm, thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Cúm; chú trọng các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà ở, đeo khẩu trang khi đến các khu vực công cộng.
Nguồn: https://baodaknong.vn/dak-nong-yeu-cau-tang-cuong-phong-chong-dich-benh-cum-a-h1pdm-235671.html