Vào mùa… “ăn cơm đứng”
Những ngày qua, hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông xuất hiện mưa cục bộ ở nhiều nơi. Có thời điểm, mưa phùn bắt đầu từ sáng sớm đến tận trưa. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc phơi, sấy cà phê của nông dân.
Trong tình trạng thiếu hụt lao động, nhiều nhà vườn phải cắt cử người để canh chừng ông trời. Nếu đổ mưa thì cuốn bạt mang cà phê vào, nắng lên lại mang ra phơi.
Đang lúc mọi người trong xóm ra vườn thu hoạch cà phê, cổng nhà nào cũng khép chặt, nhưng anh Trần Văn Hiệp, thôn Tân Hòa, xã Đắk R’moan, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) vẫn thảnh thơi đi đến thăm nhà người quen cuối làng.
Gặp chúng tôi, anh Hiệp tỏ ra vui vẻ, tay bắt mặt mừng. Anh kéo chúng tôi vào chiếc ghế gỗ dưới bóng cây trong sân nhà của một người quen để nói về công việc thu hoạch cà phê.
Câu chuyện mới giữa chừng, anh Hiệp bất giác nhìn lên bầu trời, cùng lúc đó chúng tôi nhận ra có một đám mây đen xuất hiện và một vài hạt mưa thưa thớt rơi xuống.
Anh Hiệp vội vã cáo lui. Vừa đi nhanh ra cổng vừa ngoái lại cho biết: “Tôi đang phơi mẻ cà phê vừa xay dập hôm qua. Nếu không về cuốn vào gặp mưa dễ bị mốc”.
Vậy là mấy ngày nay, anh Hiệp được gia đình cắt cử ở nhà phơi cà phê và phụ trách việc vận chuyển cà phê bằng xe gắn máy từ rẫy về nhà. Mỗi ngày, nếu có 4 nhân công thu hái, anh phải đi gần 20 chuyến để chở cà phê về. Sau đó là công sơ chế như xay dập vỏ, phơi khô, xay nhân…
Công việc tưởng chừng nhàn nhã, nhưng một người quán xuyến hơn 2ha cà phê, với sản lượng gần 30 tấn cà phê tươi không phải dễ. Có lúc đang bưng bát cơm, phải đặt vội xuống, chạy ra sân cào xúc cà phê vì trời đổ mưa.
Còn gia đình ông Nguyễn Văn Nhân, thôn 6, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong có 2ha cà phê. Vì là người địa phương khác đến canh tác, nên ông Nhân phải dựng trại, làm sân tại rẫy để thu hoạch, phơi cà phê.
Theo ông Nhân, thời tiết mùa này rất bất thường, nên ông luôn đề phòng. Gia đình ông mới thu hoạch được hơn 2 tấn cà phê tươi và tiến hành phơi.
Nếu mưa kéo dài mà vẫn hái sẽ khiến sản lượng cà phê bị hao hụt, trong khi chi phí thuê người hái cà phê lại khá cao, dao động từ 220.000 – 300.000 đồng/ngày công, tăng khoảng 30% so với mùa vụ năm ngoái.
“Mấy hôm vừa rồi, khu vực rẫy nhà tôi mưa rất bất chợt. Những ngày có mưa không chỉ làm chậm tiến độ thu hoạch, mà còn ảnh hưởng tới chất lượng cà phê nhân. Cà phê phơi sấy được đành để nguyên bao, tủ bạt ngoài sân làm vỏ cà phê thối nhũn, đóng tảng do nấm mốc”, ông Nhân chia sẻ.
Ông Phạm Hưng, chủ một lò sấy tại xã Nam Bình, huyện Đắk Song cho biết, những ngày vào vụ thu hoạch, việc phơi sấy khiến người trồng cà phê “ăn cơm đứng”. Chỉ riêng mỗi mẻ sấy cà phê cũng mất từ 4 – 6 tiếng, người trông coi lò phải thức thâu đêm đến sáng để canh chừng. Sơ sảy để cà phê cháy là mất cả vốn lẫn lãi.
“Những ngày cao điểm của vụ thu hoạch, nông dân mang cà phê đến bán nhiều, chúng tôi như thân xác ăn đêm, vất vả, nhưng tiền công sau khi trừ chi phí cũng được kha khá”, ông Hưng cho hay.
Theo ông Hưng, nhiều người không chọn phương pháp sấy mà xay hạt cà phê tươi rồi mới đem phơi. Tuy nhiên, có không ít trường hợp gặp mưa trái mùa làm độ ẩm tăng cao, gây đen nhân. Vì vậy, chất lượng nhân cà phê bị sụt giảm đáng kể.
Tuân thủ quy trình sơ chế, bảo quản cà phê
Bước vào đầu vụ thu hoạch cà phê, ngành chức năng tỉnh Đắk Nông đã xây dựng kế hoạch rà soát, hướng dẫn người dân chuẩn bị, chủ động sân phơi, lò sấy trước khi thu hoạch cà phê.
Nhất là đối với sân phơi phải thoát nước tốt, không đọng nước, không gần chuồng gia súc, không chứa phân chuồng, phân vi sinh và các hóa chất.
Theo ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT tỉnh Đắk Nông, cà phê sau khi thu hoạch phải được vận chuyển đến nơi phơi, sấy trong thời gian ngắn nhất nhằm hạn chế hiện tượng nấm mốc phát triển làm giảm chất lượng cà phê nhân.
Trường hợp không vận chuyển hay sơ chế kịp thời, trái cà phê phải được đổ trên nền sạch, khô ráo, thoáng mát và không được đổ đống dày quá 40cm.
Bà con có thể áp dụng quy trình, lựa chọn các biện pháp chế biến khô, chế biến bán ướt, chế biến ướt theo đúng quy trình kỹ thuật để đảm bảo chất lượng sản phẩm được tốt nhất. Đối với hạt cà phê được phơi, sấy, đạt độ ẩm phải dưới 13%. Phương tiện vận chuyển và bao bì đựng cà phê phải sạch, không nhiễm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, phân gia súc…
Ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT tỉnh Đắk Nông
Nơi bảo quản cà phê phải khô ráo, không bảo quản chung cà phê với các vật tư nông nghiệp khác như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất… Các bao đựng cà phê phải được xếp cách mặt đất từ 10 – 15 cm để tránh làm hạt cà phê bị ẩm, mốc, đen… làm giảm chất lượng cà phê.
Đặc biệt, thường xuyên kiểm tra kho bảo quản để phát hiện và xử lý các vấn đề như mối mọt, côn trùng hoặc nấm mốc. Vì chất lượng cà phê không chỉ nâng cao giá trị kinh tế gia đình mà còn giúp phần nâng cao uy tín, thương hiệu cà phê Đắk Nông trên thị trường thế giới.
“Ngoài ra, nông dân cần tránh việc ủ đống cà phê quá lâu để rút ngắn thời gian phơi. Đây là một thói quen phổ biến nhưng lại dẫn đến nhiều hệ lụy như làm giảm chất lượng mùi vị, chuyển hóa màu sắc của hạt và làm tăng nguy cơ nhiễm nấm mốc”, ông Ngô Xuân Đông cho biết thêm.
Nguồn: https://baodaknong.vn/an-com-dung-canh-troi-de-phoi-say-ca-phe-235661.html