Mặc dù mới thành lập được một năm, nhưng Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực, sôi nổi, đặc biệt tạo được dấu ấn và sức lan tỏa rộng rãi giá trị tích cực, nét đẹp văn hóa truyền thống của tà áo dài Việt Nam trong đồng bào Tây Nguyên.
Đến nay, Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam tỉnh Đắk Lắk có 109 thành viên do bà Trần Thị Thúy Thanh, Phó Chủ tịch Hội nữ doanh nhân thành phố Buôn Ma Thuột làm Chủ nhiệm. Các thành viên Câu lạc bộ gồm những phụ nữ nhiều lứa tuổi và nhiều thành phần, lĩnh vực khác nhau trong xã hội, nhưng có chung sở thích, niềm tự hào và tình yêu văn hóa truyền thống của dân tộc qua tà áo dài Việt Nam.
Vì vậy, khi tham gia Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam tỉnh Đắk Lắk, các thành viên đều tích cực tham gia các hoạt động sôi nổi, tạo dấu ấn và sức lan tỏa rộng rãi giá trị tích cực, nét đẹp văn hóa truyền thống của tà áo dài Việt Nam. Nổi bật là Câu lạc bộ đã tổ chức chương trình Tết biên cương và giao lưu văn nghệ dân vũ cùng phụ nữ xã biên giới Ia R’vê, huyện Ea Súp; đồng diễn áo dài chào mừng Ngày 8/3 tại Quảng trường 10/3 Buôn Ma Thuột; biểu diễn áo dài cùng các nghệ nhân và diễn viên các buôn tại chương trình Đất nước trọn niềm vui; đồng diễn áo dài tại lễ kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Bên cạnh đó, Câu lạc bộ còn trao 10 suất quà, mỗi suất 500 nghìn đồng cho phụ nữ nghèo ở phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột; tổ chức Tết Trung thu trên bản Mông cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại huyện vùng sâu M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk; phối hợp Hội Phụ nữ Công an tỉnh Đắk Lắk quyên góp, ủng hộ 30 triệu đồng hỗ trợ đồng bào miền núi phía bắc bị thiệt hại do bão số 3 (Yagi)…
Ngoài ra, Câu lạc bộ còn cử đại diện một số thành viên tham gia sự kiện ra mắt Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam tại Pháp, Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam tại châu Âu.
Bà Hoàng Thị Ngọc Mai, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam vui mừng cho biết, chỉ sau 1 năm thành lập nhưng Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam tỉnh Đắk Lắk đã tập hợp được chị em ở nhiều lĩnh vực và có nhiều sáng kiến hoạt động hiệu quả, không ngừng lan tỏa những giá trị tích cực, nét đẹp văn hóa của di sản áo dài Việt Nam trong đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên.
Mong rằng, trong thời gian tới, Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển thêm thành viên và tổ chức được nhiều hoạt động sôi nổi rộng khắp nhằm lan tỏa hình ảnh qua các sự kiện, chương trình đồng diễn áo dài nhân dịp các ngày kỷ niệm, ngày lễ trọng đại của đất nước và của địa phương; đồng thời, thường xuyên kết nối với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, thành phố, xã, phường để tham gia vào những sự kiện cộng đồng, của các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn tổ chức.
Thông qua đó, tích cực phát triển hội viên; kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp đồng hành tham gia vào những dự án cộng đồng; kết nối thêm những tài năng, các Câu lạc bộ di sản, nghệ thuật, âm nhạc để làm phong phú thêm chương trình, nội dung hoạt động. Đặc biệt cần thành lập các đội văn nghệ để biểu diễn ở các hội nghị, sự kiện nhằm lan tỏa, khẳng định vị thế của Câu lạc bộ và những giá trị tích cực, nét đẹp văn hóa của di sản áo dài Việt Nam.
Dưới đây là những hình ảnh ấn tượng về sức lan tỏa rộng rãi di sản áo dài Việt Nam của Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam tỉnh Đắk Lắk:
Nguồn: https://baodaknong.vn/anh-lan-toa-di-san-ao-dai-viet-nam-o-tay-nguyen8-235353.html